27/07/2011 - 21:23

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ Ở ĐBSCL

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Nhờ ứng dụng CNTT, Bệnh viện Tai, mũi, họng TP Cần Thơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân thực hiện thủ tục hành chính.

Thời gian qua, công tác xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính (CCHC) ở ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, công tác xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí, nguồn nhân lực... nên cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

* Tập trung đầu tư

Ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, công tác xây dựng CQĐT được quan tâm đặc biệt và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đi đầu trong công tác này phải kể đến các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh.

Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2010, TP Cần Thơ thực hiện thí điểm mô hình một cửa hiện đại (MCHĐ) tại quận Bình Thủy và quận Ô Môn. Từ hiệu quả hoạt động của 2 quận Ô Môn và Bình Thủy, đến nay, mô hình này đã được triển khai thêm ở 4 quận, huyện của thành phố. Không chỉ giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, điều hành, mô hình MCHĐ còn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Theo kế hoạch, mô hình MCHĐ sẽ được TP Cần Thơ triển khai ở các quận, huyện còn lại trong năm 2011.

Tại tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã có những bước tiến đáng kể. Công tác quản lý, điều hành cũng như những dịch vụ hành chính nhờ ứng dụng CNTT nên nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn. Từ đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, mà còn tạo thói quen làm việc của cán bộ, công chức, tiết kiệm thời gian, chi phí cho địa phương. Theo ông Ngô Quang Tuyên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp hộp thư miễn phí cho 93,32% cán bộ, công chức, trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử đạt 83,6%; Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai từ đề án 112 đến nay vẫn được tiếp tục sử dụng. Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã phát huy hiệu quả, tất cả các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh (trừ những văn bản mật) đều được công khai trên mạng...

Mặc dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Trà Vinh lại rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong công tác CCHC. Ngoài việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, Trà Vinh còn tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị. Đến cuối năm 2010, tỉnh đã có 20 sở, ngành, huyện, thành phố vận hành chương trình văn phòng điện tử với trên 1.000 cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư xây dựng cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh gồm 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer; xây chương trình hướng dẫn, tra cứu tự động thủ tục và hồ sơ hành chính thông qua hệ thống điện thoại và tin nhắn SMS. Hiện nay, cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh đã cung cấp 1.323 thủ tục hành chính (ở mức độ 2) của 3 cấp tỉnh, huyện, xã và trên 200 thủ tục hành chính của các đơn vị ngành dọc (ngân hàng, thuế, kho bạc) đóng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và hoàn trả kết quả hồ sơ theo cơ chế một cửa tại UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh; tin học hóa các quy trình nghiệp vụ trong nhiều lĩnh vực như nhà đất, đăng ký kinh doanh, liên thông thuế, cấp số nhà, quản lý hộ tịch...

* Còn nhiều khó khăn...

Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tuy nhiên, công tác triển khai xây dựng CQĐT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công tác trong lĩnh vực CNTT. Ông Ngô Quang Tuyên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Do ngân sách hạn hẹp nên nguồn vốn đầu tư cho CNTT của tỉnh còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Bên cạnh đó, tỉnh chưa xây dựng được chính sách đãi ngộ riêng cho đội ngũ làm việc trong lĩnh vực CNTT; một số đơn vị sử dụng cán bộ CNTT không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ... Từ đó, chưa thu hút được nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, đã vậy còn xuất hiện tình trạng cán bộ CNTT giỏi chuyên môn ở các cơ quan nhà nước của tỉnh nghỉ việc sang làm việc cho các doanh nghiệp và các địa phương khác, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì và triển khai ứng dụng CNTT ở địa phương”. Một vấn đề quan trọng khác là cá nhân, tổ chức chưa có thói quen thực hiện thủ tục hành chính bằng CNTT nên có một số địa phương đã triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua mạng Internet nhưng số lượng hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2010 đã triển khai 6 dịch vụ hành chính công mức độ 3 thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và thông tin - truyền thông, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận được hồ sơ nào qua môi trường mạng. Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CNTT cho rằng, công tác tuyên truyền còn hạn chế, trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT của người dân còn thấp,... Ông Bùi Chí Hùng, Phó giám đốc Sở TT&TT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Một trong những vấn đề quan trọng là làm sao cho người dân hiểu rõ lợi ích của CQĐT. Từ đó, giúp người dân có thói quen sử dụng mạng Internet để thực hiện thủ tục hành chính thay vì thực hiện bằng thủ công như trước đây. Xây dựng CQĐT phải có những công dân, tổ chức “điện tử” thì mục tiêu mới thành công”.

Vấn đề nhận thức của lãnh đạo đơn vị, địa phương, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính, thiếu tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả... cũng là những trở ngại lớn đối việc xây dựng CQĐT ở TP Cần Thơ. Từ năm 2006 đến năm 2010, có hơn 20 cán bộ giỏi trong lĩnh vực CNTT xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp. “Thiếu cơ chế ưu đãi, vai trò của cán bộ CNTT trong bộ máy nhà nước không rõ ràng, sức hút từ đơn vị tư nhân,... chính là những nguyên nhân xảy ra thực trạng trên”- ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ cho biết.

Đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: “Sắp tới Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn CQĐT ở địa phương, cơ chế tài chính chi cho công tác xây dựng CQĐT, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu quốc gia,... Đồng thời, Bộ sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong việc xây dựng CQĐT, quyết tâm thực hiện kế hoạch Chính phủ điện tử giai đoạn 2011-2015 thành công”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết