09/02/2012 - 13:40

Đọc “Khi hoa Kiều Mạch nở”

Nhiều điều tốt đẹp vẫn còn trong đời...

 

Những người lao động nghèo vất vả mưu sinh, một cô gái tha hương khao khát về lại quê hương, người phụ nữ đầy tâm trạng sống dưới định kiến lạc hậu… là những câu chuyện trong tập truyện “Khi hoa Kiều Mạch nở” của tác giả Lee Hyoseok khiến người đọc cảm thương sâu sắc.
Tập truyện do Thủy Tiên biên dịch, NXB Trẻ phát hành vào cuối năm 2011.

Trong tập truyện, độc giả nhìn thấy nhiều góc độ vui buồn, khổ đau, hạnh phúc của đời sống con người. Tự xưng nhân vật “tôi” trong truyện “Thành phố và những con ma” tiêu biểu cho những người lao động nghèo, bươn chải mưu sinh giữa chốn thị thành sầm uất, đến số phận cay đắng của những cô gái quê trong “Phần số lồng đèn đỏ” bị lừa gạt vào nhà chứa, chịu cảnh tủi nhục hoặc “Triết lý mạt chượt” nói đến đời sống kham khổ của những người công nhân ở một nhà máy; sự lạnh lùng, tính toán của người chủ đã đẩy họ đến đường cùng... Nhưng giữa cuộc sống xô bồ ấy vẫn còn những nét đẹp làm ấm lòng người: nhân vật “tôi” đã đem hết số tiền sống qua ngày để giúp hai mẹ con người phụ nữ nghèo bị tai nạn; thầy giáo Kang trong “Triết lý mạt chượt” bất chấp mọi đe dọa đã dũng cảm dẫn dắt nhóm công nhân biểu tình đòi quyền lợi... Dù rằng mỗi câu chuyện đều chứa đựng nỗi buồn về nhân tình thế thái nhưng không bi lụy mà lại mở ra một niềm tin về nhiều điều tốt đẹp vẫn còn trong đời...

Một điều thú vị của tập truyện này là có những câu chuyện kết thúc mở, để người đọc tự suy ngẫm cái kết cho riêng mình. Đơn cử như truyện “Khi hoa Kiều Mạch nở” thắm đượm lòng thủy chung của một đôi trai gái tại thị trấn Bongpyong bé nhỏ: khi rẫy hoa Kiều Mạch trổ bông thì cô tiểu thư nhà Seong và chàng trai nghèo Seng Won phải xa nhau vì sự cách biệt về gia cảnh. Thời gian trôi đi, cô tiểu thư xinh đẹp nay đã thành một bà mẹ nghèo khó, bệnh tật còn Seng Won cũng đã già nua, sống tha hương, nhưng họ vẫn hướng về nhau với những ký ức đẹp thuở ban đầu. Tình yêu của họ gieo vào lòng người niềm tin về sự chờ đợi...

Truyện “Cây mơ rừng”, “Miền sơn cước” trong bối cảnh một làng quê là hành trình tự giải thoát của những người phụ nữ bị ràng buộc bởi những tập tục, tư tưởng hủ lậu và định kiến cay nghiệt. Họ phải mạnh dạn bỏ làng ra đi hoặc tìm đến cái chết không chỉ để giải thoát cho kiếp người buồn tủi, mà còn đánh thức lương tâm của những con người sống quá hẹp hòi...

19 câu chuyện của tập truyện “Khi hoa Kiều Mạch nở” đã thể hiện chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về cuộc sống. Lẩn khuất trong những nỗi buồn, sự bất công, ngang trái... là một niềm tin yêu và hy vọng để chúng ta nhận ra rằng cuộc sống vẫn hiện hữu nhiều điều tốt đẹp.

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết