13/12/2007 - 15:00

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Cần Thơ khóa VII:

Nhiều bức xúc của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng

Ngày 7-12-2007, kỳ họp thứ 11, HĐND TP Cần Thơ khóa VII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Theo đánh giá chung, phần trả lời chất vấn của các sở, ngành tại kỳ họp này có nhiều tiến bộ, có trọng tâm hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề như: bố trí vốn cho dự án; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; cải thiện môi trường đầu tư; tiến độ các dự án giao thông... chưa được giải quyết thỏa đáng.

NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐẦU TƯ

Với vai trò là sở tham mưu tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được đại biểu chất vấn nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với những vấn đề cụ thể, Sở KH & ĐT trả lời chưa thỏa đáng, chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả để thực hiện các vấn đề đại biểu quan tâm. Đại biểu Lê Văn Bảnh lo ngại: “Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nông dân đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng việc bố trí vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm, sẽ gây nhiều khó khăn cho nông dân. Năm 2007, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn là 14 tỉ đồng, năm 2008 còn 9 tỉ đồng; nhiều dự án thủy lợi chưa được đầu tư; khoảng 75% dân số của thành phố phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng năm 2008 chi hỗ trợ cây, con giống chỉ có 1 tỉ đồng là chưa hợp lý”. Đại biểu Mai Văn Nam đề nghị: “Thay vì, tham mưu bố trí vốn cho các công trình chưa bức xúc, sở nên bố trí vốn cho việc xây dựng các khu tái định cư, mua máy lọc thận cho Bệnh viện Đa khoa thành phố...”. Ở phần trả lời, ông Nguyễn Văn Dược, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, theo quy định một dự án muốn được bố trí vốn phải đủ hồ sơ thủ tục trước tháng 11 năm trước. Do đó, nếu bố trí vốn cho các dự án như đại biểu Mai Văn Nam đề xuất là rất khó. Đại biểu Mai Văn Nam không đồng ý: “Nếu chờ thủ tục, thì nhiều bệnh nhân không có máy lọc thận nằm chờ chết!”.

Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư của thành phố, đại biểu Lâm Trường Giang đặt vấn đề: “Giám đốc Sở KH &ĐT có nhận định gì khi năng lực cạnh tranh của thành phố từ hạng 4/13 tỉnh thành ĐBSCL năm 2006, tụt xuống 7/13 vào năm 2007? Sở tham mưu cho UBND những giải pháp nào để cải thiện tình hình trên?”. Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “Năng lực cạnh tranh giảm chủ yếu là ở chỉ số linh hoạt điều hành, chứ riêng vấn đề thủ tục hành chính ở Sở KH&ĐT tăng tới 7 bậc”. Đại biểu Trường Giang hỏi: “Theo đồng chí giám đốc đâu là những hạn chế trong điều hành?”. Ông Nguyễn Văn Dược cho trả lời: “Cái này do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam điều tra, Sở KH & ĐT chỉ cử cán bộ sang dự, chưa nắm cụ thể”.

 Đại biểu Mai Văn Nam, đơn vị huyện Thốt Nốt chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ lần thứ 11, khóa VII nhiệm kỳ 2004-2009. Ảnh: KIM XUÂN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Văn Tâm về việc “doanh nghiệp ma” do sở cấp giấy phép kinh doanh mua bán hóa đơn, gây thiệt hại cho Nhà nước cả trăm tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng việc cấp phép cho doanh nghiệp đã được thực hiện đúng luật. Nhưng do khâu hậu kiểm chưa tốt nên xảy ra tình trạng trên, sở đã rút kinh nghiệm...

CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG: KHI NÀO CÓ TIỀN MỚI XONG!

Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở GTCC mất gần 50 phút để hoàn thành phần trả lời chất vấn, nhưng phần lớn thời gian dành cho giải thích, kiến nghị, thiếu những giải pháp cụ thể. Đối với dự án các cầu trên tỉnh lộ 921, ông Lê Tấn Học cho biết: Hiện nay, 12 cầu đoạn từ Thốt Nốt đến Ngã Tư, sở đang thẩm định hồ sơ thiết kế; 6 cầu bê tông liên hợp đoạn từ Ngã Tư đến thị trấn Cờ Đỏ, các đơn vị thi công đã tạm ngưng thi công, đề nghị điều chỉnh giá. Ngoài ra, chủ đầu tư còn nợ dân 12,4 tỉ đồng bồi thường thiệt hại (áp giá năm 2005). Sở GTCC đề nghị bố trí 73 tỉ đồng để tiếp tục thi công các cầu và chi trả bồi thường thiệt hại. Khi đại biểu đề nghị cho biết khi nào các cầu này hoàn thành, Giám đốc Sở GTCC nói: “Khi nào có vốn mới thi công, chưa có vốn thì tôi không hứa được thời điểm hoàn thành”.

Hiện nay có 3/7 cầu trên tỉnh lộ 923 tạm ngưng thi công, chờ điều chỉnh giá. Vấn đề cử tri quan tâm là ai chịu trách nhiệm khi để công tác giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ thi công trì trệ, đội giá... không được lãnh đạo ngành GTCC đề cập. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, phát biểu: “Tôi biết, có nhà thầu được tạm ứng tới 2,5 tỉ đồng, nhưng sau 17 tháng thi công khối lượng chỉ được khoảng 1 tỉ đồng. Chủ đầu tư không có biện pháp xử lý nhà thầu, nếu chấp nhận điều chỉnh giá sẽ tạo tiền lệ không tốt đối với công tác xây dựng cơ bản của thành phố”. Ngoài ra, Sở GTCC còn nhiều dự án khác chậm tiến độ do thiếu vốn. Riêng dự án đường Ô Môn -Thới An, Giám đốc Sở GTCC cho biết: Sở GTCC đã chuyển 38,3 tỉ đồng cho Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Ô Môn tiến hành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân và dự kiến đấu thầu thi công vào quí 1 năm 2008...

ĐẦU NĂM 2009, ĐIỆN HẾT CHẬP CHỜN, HẾT GIÁ CAO?

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Công nghiệp cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có 99,1% dân số có điện sử dụng, nhưng có tới 39.389 hộ dân sử dụng điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Nguyên nhân là do các hộ dân sử dụng điện từ lưới điện của hợp tác xã (HTX) hoặc tổ quản lý điện (TQLĐ) được xây dựng năm 1994 -1996 đã xuống cấp, không bảo dưỡng. Từ đó, chất lượng điện kém, tổn thất điện cao, nên HTX, TQLĐ thu giá điện cao để bù. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công nghiệp đã lập 6 dự án đầu tư với kinh phí 33 tỉ đồng để cải tạo và phát triển 317 km điện ở 4 huyện ngoại thành. Điện lực Cần Thơ cũng có kế hoạch đầu tư 84 tỉ đồng để tiếp nhận lưới điện không an toàn của TQLĐ, HTX điện nhằm cải tạo và xây dựng mới trạm biến áp, đường dây hạ hế, lắp đặt điện kế, bán điện trực tiếp cho người dân. Dự kiến đến cuối năm 2008, đầu năm 2009 sẽ không còn tình trạng điện kém chất lượng, giá cao.

Ông Võ Thành Sang thừa nhận: Năm 2007, Sở Công nghiệp chỉ tổ chức 5 đợt thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ tập trung ở các tuyến đường thuận lợi, nên chưa kịp thời phát hiện, khắc phục những yếu kém, tồn tại trong việc sử dụng điện, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ DOANH NGHIỆP GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Tại kỳ họp giữa năm 2007 của HĐND thành phố, vấn đề Công ty TNHH Đại Tây Dương (Thốt Nốt) gây ô nhiễm môi trường đã được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT ) cho biết đã có biện pháp xử lý, khắc phục. Nhưng, thời gian gần đây bà con cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải của công ty gây ra vẫn chưa được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Tháng 11-2006, Thanh tra Sở TN & MT đã xử phạt 20 triệu đồng và buộc công ty phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Công ty chấp hành chưa tốt, vẫn tiếp tục cho nước thải chưa xử lý ra sông. Sở TN&MT đã yêu cầu công ty phải xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường trong vòng 15 ngày, tháo dỡ hệ thống thoát nước thải chưa được xử lý; thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Nếu không chấp hành, sở sẽ đề nghị UBND thành phố xử phạt hành chính ở mức cao hơn và có hình thức bổ sung là thu hồi quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu cố tình không chấp hành, đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép đầu tư hoặc giao cho Cảnh sát Môi trường xử lý theo quy định của pháp luật.

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TP CẦN THƠ: XIN NHẬN THIẾU SÓT VỚI NHỮNG CÔNG DÂN ĐÃ BỊ TRUY TỐ OAN SAI TRONG TỐ TỤNG!

Các ý kiến chất vấn ông Hồ Thanh Long, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Cần Thơ xoay quanh vấn đề bồi thường oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Nghị quyết 388 - NQ/UBTVQH11 (viết tắt NQ388) ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Long, từ khi có NQ388, VKSND thành phố đã tiếp nhận 6 đơn yêu cầu bồi thường và đến nay đã có 3 trường hợp đã thỏa thuận bồi thường xong với số tiền trên 113 triệu đồng; 1 trường hợp còn lại cũng thống nhất về mức bồi thường đã chờ kinh phí để chi trả; 2 trường hợp vẫn đang tiếp tục thương lượng. Nguyên nhân xảy ra oan sai, theo ông Long, do các vụ án phức tạp, thời gian điều tra kéo dài và xét xử nhiều lần, trong đó có Hội đồng xét xử cấp này tuyên có tội, HĐXX cấp khác lại tuyên không phạm tội và cuối cùng cơ quan chức năng kết luận oan sai. Đơn cử 1 trong 6 trường hợp yêu cầu VKSND TP Cần Thơ bồi thường có 1 vụ khởi tố từ năm 1996 nhưng đến năm 2006 mới kết thúc; thời gian kéo dài qua 3 đời Viện trưởng và rất nhiều điều tra viên. Vì vậy, khi kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì chỉ thực hiện được với những người đang đương chức, cụ thể là những cá nhân liên quan đến các vụ án oan sai đều bị kiểm điểm, cắt thi đua 1 năm. Ông Long cũng khẳng định: Tất cả các vụ án oan sai đều xuất phát từ năng lực của cán bộ chuyên môn hạn chế, công tác điều hành của lãnh đạo chưa theo sát diễn biến vụ án, hoàn toàn không có dấu hiệu tiêu cực hoặc vì vụ lợi cá nhân. Ông Long nhận thiếu sót với các công dân đã bị truy tố oan sai và đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Đó là, ngành kiểm sát phải nhận thức lại những vấn đề nhận thức chưa đúng trong công tác đánh giá chứng cứ của một vụ án hình sự. Bên cạnh đó, trong những vụ án phức tạp, kiểm sát viên sẽ đưa ra yêu cầu điều tra cụ thể để tránh oan sai. Riêng ngành kiểm sát cũng đặt ra chỉ tiêu là hạn chế tối đa việc trả hồ sơ điều tra bổ sung điều này đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng trong kiểm sát điều tra.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ KHÔNG XUỐNG CẤP

Trả lời về việc chậm đưa hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKT.Ư) Cần Thơ vào sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKT.Ư Cần Thơ cho biết: BVĐKT.Ư có 2 hệ thống xử lý chất thải, trong đó có lò đốt chất thải rắn và hệ thống xử lý chất thải lỏng. Hệ thống xử lý chất thải lỏng có công suất thiết kế tương ứng với qui mô bệnh viện 700 giường đã đưa vào sử dụng đồng thời với hoạt động của bệnh viện mới. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn vận hành thử để xác định các thông số kỹ thuật nên chất lượng nước thải chưa ổn định. Hiện nay, BVĐKT.Ư Cần Thơ cùng với đơn vị thi công đang vận hành, kiểm tra thông số toàn bộ trang thiết bị được xây dựng trong bệnh viện để bàn giao vào cuối năm 2007. Về vấn đề côn trùng gây ngứa và nổi những về như giời ăn trên mình bệnh nhân, bác sĩ trong những ngày đầu mới di dời bệnh viện về trụ sở, giám đốc bệnh viện cho biết nguyên nhân là do một loại bướm gây ra. Bệnh viện có mời các cơ quan chức năng phối hợp phòng trừ và hiện nay tình trạng bướm gây ngứa không còn nữa.

Liên quan đến vấn đề một số phòng của bệnh viện xuống cấp sau khoảng 3 tháng đưa vào sử dụng, ông Đặng Quang Tâm cho biết: Theo thiết kế, mỗi phòng có từ 2-3 giường bệnh và nhà vệ sinh. Thời gian qua, do ý thức thân nhân người bệnh còn kém vứt rác thải bừa bãi gây ngập nghẹt ống dẫn nước chớ không phải phòng của bệnh viện bị xuống cấp. Bệnh viện phải thuê người cắt bỏ ống cũ cho thay ống mới để thông dòng chảy. Hiện nay, bệnh viện đã bố trí nhân viên thường xuyên hướng dẫn và nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh chung.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chia sẻ bài viết