15/10/2009 - 22:30

Nhiều biến chứng nguy hiểm từ bệnh tay chân miệng

BS. LÃ THỊ THANH THỦY
(Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)

Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng của nhiều trẻ nhỏ đột nhiên xuất hiện các bóng nước; đôi khi các bóng nước này còn xuất hiện ở mông, gối. Đó là biểu hiện của bệnh tay chân miệng và các bóng nước không chỉ đơn giản là nốt ghẻ ngoài da mà còn có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị nội trú
tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: K. LOAN 

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Biểu hiện chính là xuất hiện sang thương bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, gối, mông kèm theo sốt, đau đầu, đau họng. Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ bệnh:

+ Độ 1: bệnh nhân bị loét miệng, có hoặc không có bóng nước trong bàn tay, bàn chân, mông, gối.

+ Độ 2: xuất hiện rung cơ, bứt rứt, chới với.

+ Độ 3: bệnh nhân bị yếu liệt chi, liệt thần kinh sọ, co giật, hôn mê.

+ Độ 4: bệnh nhân bị suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp, trụy mạch.

Ở cấp độ 1, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú kết hợp hướng dẫn người nhà theo dõi, tái khám. Bệnh từ cấp độ 2 trở lên phải điều trị nội trú. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng cho thần kinh, tim mạch, hô hấp và có thể làm cho trẻ tử vong. Bệnh xảy ra quanh năm, có thể phát triển thành dịch và tăng cao vào các tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Các sang thương bóng nước do tay chân miệng có hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da, không đau. Khi bóng nước khô sẽ để lại vết thâm da, không lở loét. Một số trường hợp, bệnh nhân chỉ có biểu hiện loét miệng, bóng nước dưới da rất ít hoặc không rõ dạng bóng nước mà chỉ là những chấm hồng ban. Theo ghi nhận thực tế của bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, những bệnh nhi xuất hiện càng ít bóng nước thì tình trạng bệnh càng nặng. Ngược lại, những bệnh nhi xuất hiện rất nhiều bóng nước ở nhiều vị trí nhưng tình trạng bệnh lại nhẹ.

Có thể nhận dạng biến chứng xảy ra cho bệnh nhi qua các dấu hiệu như: rung giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, chới với, yếu chi, co giật, hôn mê, mạch nhanh, da nổi bông và thời gian phục hồi màu da trên 2 giây, rối loạn nhịp thở, sùi bọt hồng... Nếu bệnh diễn tiến nặng thì mạch huyết áp không đo được.

Nhiều trường hợp bị bệnh tay chân miệng nhưng ban đầu bị nhầm lẫn với dị ứng da, viêm da mủ hay thủy đậu. Có thể phân biệt giữa các bệnh qua các dấu hiệu sau:

+ Dị ứng da: sang thương dạng hồng ban đa dạng nhiều hơn bóng nước

+ Viêm da mủ: sang thương đau, đỏ, có mủ.

+ Thủy đậu: xảy ra ở mọi lứa tuổi, sang thương rải rác toàn thân chứ không chỉ tập trung ở tay, chân, miệng.

Để phòng bệnh tay chân miệng, cần thực hiện tốt vệ sinh: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, nước tiểu... Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ, vật dụng, sàn nhà bằng các dung dịch có tính sát khuẩn. Ngoài ra, cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.

B. Tâm (Ghi)

Chia sẻ bài viết