27/02/2024 - 00:07

Nhật thắt chặt quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương 

Tại cuộc họp ở Thủ đô Suva (Fiji) mới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và những người đồng cấp từ 18 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) đã nhất trí phản đối “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép” - ám chỉ ngầm về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.

Các ngoại trưởng của Nhật Bản và 18 thành viên PIF tại cuộc họp hôm 12-2. Ảnh: Kyodo

Cũng tại cuộc họp, một số thành viên PIF bày tỏ quan ngại sâu sắc xung quanh việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương, đồng thời lo ngại động thái này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân. Ðáp lại, Ngoại trưởng Kamikawa giải thích, việc xả nước nhiễm phóng xạ được thực hiện “phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ an toàn quốc tế có liên quan” và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bà Kamikawa cho biết Tokyo sẽ đưa ra thêm những lý giải dựa trên “bằng chứng khoa học” về vấn đề này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, cuộc họp nhằm mục đích đặt nền móng cho Hội nghị Lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10, dự kiến diễn ra tại Thủ đô Tokyo vào tháng 7 tới. Kei Koga, phó giáo sư về chính sách công và là giám đốc chương trình các vấn đề toàn cầu tại Ðại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, phát triển kinh tế và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, gồm cứu trợ thiên tai, sẽ là vấn đề được ưu tiên thảo luận tại hội nghị sắp tới.

Thật ra, Nhật Bản lâu nay đã tìm cách tạo ảnh hưởng tại khu vực. Năm ngoái, Nhật Bản giới thiệu khuôn khổ Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) nhằm giúp các quốc gia đang phát triển tăng cường an ninh. Theo đó, Fiji là quốc gia được Nhật Bản đưa vào danh sách các nước được ưu tiên nhận sự hỗ trợ của Tokyo. Hồi tháng 12-2023, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp cho Fiji 2,7 triệu USD hỗ trợ an ninh. Sắp tới, Tokyo có thể sẽ kết hợp OSA và chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) để tăng cường năng lực của các nước trong khu vực, gồm “nhận thức về lĩnh vực hàng hải và khả năng thực thi pháp luật để đảm bảo an ninh hàng hải”.

Thật ra, Nhật Bản trong những năm qua cũng đã hỗ trợ các nước tại khu vực bằng cách thành lập và mở rộng các bệnh viện, xây dựng cầu đường, hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Céline Pajon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho hay Nhật Bản đã thực hiện các bước để giúp khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðơn cử, Nhật Bản hồi năm 2018 đã hỗ trợ thành lập một trung tâm tại Thủ đô Apia (Samoa) để tập trung nghiên cứu và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Công ty Ðiện lực Chugoku đầu tư mở rộng năng lượng tái tạo ở Fiji vào năm 2021.

Dù là một nước tương đối mới trong lĩnh vực viện trợ, Trung Quốc đã mở rộng hỗ trợ về kinh tế và cơ sở hạ tầng cho khu vực. Đáng chú ý, Trung Quốc hồi năm 2022 đã ký kết một thỏa thuận thực thi pháp luật và an ninh với Quần đảo Solomon. Trước động thái này của Bắc Kinh, Mỹ hồi năm 2023 đã mở lại đại sứ quán ở Thủ đô Honiara sau 30 năm gián đoạn đồng thời cùng các đồng minh gồm Úc và Hàn Quốc triển khai các bước nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với khu vực.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết