|
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba được chào đón khi đặt chân tới Myanmar tối 25-12.
Ảnh: Kyodo |
Tiếp theo chuyến thăm Myanmar lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ qua của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi đầu tháng 12, dư luận đang chú ý đến những động thái của Nhật Bản xích lại gần hơn với quốc gia Đông Nam Á qua chuyến công du tương tự của Ngoại trưởng Koichiro Gemba.
Ông Gemba đã đến Myanmar tối 25-12 và lần lượt có cuộc gặp với Tổng thống U Thein Sein, người đồng nhiệm Wunna Maung Lwin ở Thủ đô Nay Pyi Taw sáng 26-12 trước khi đến “cố đô” Yangon cách đó 320 km về phía Bắc gặp thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi chiều cùng ngày.
Là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Nhật Bản đi thăm Myanmar kể từ năm 2002, ông Gemba tuyên bố đây là “bước ngoặt lớn” cho các mối quan hệ giữa hai nước. Theo báo Kyodo, khác với Mỹ và châu Âu, chính quyền Nhật từ lâu vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với Myanmar ngay cả trong giai đoạn dài nước này nằm dưới sự điều hành của quân đội. Kể từ năm 2003, Tokyo chỉ ngừng hỗ trợ các dự án phát triển mới nhằm phản đối nhà hoạt động chính trị Suu Kyi bị bắt giữ, nhưng vẫn cho phép viện trợ nhân đạo và hợp tác kỹ thuật có giới hạn với Myanmar. Các nỗ lực cải cách từ 9 tháng qua của chính quyền dân sự Thein Sein đã thúc đẩy Nhật trở lại bàn tham vấn với Myanmar về vấn đề viện trợ phát triển hồi đầu tháng này.
Các quan chức Nhật Bản cho biết ông Gemba sẽ “động viên” chính phủ Myanmar tiếp tục cải cách, trong đó đặc biệt là tiến trình bầu cử cởi mở, tự do và công bằng. Tuy nhiên, cái mà ông Gemba quan tâm hơn cả là tiến trình đàm phán xây dựng thỏa thuận đầu tư song phương giữa hai nước. Myanmar đã chấp nhận đàm phán vấn đề này với cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật. Kể từ 1988 đến nay, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Myanmar chỉ vào khoảng 212 triệu USD, xếp thứ 12 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại nước này.
Theo Kyodo, doanh nhân Nhật đang “khát” thị trường đầu tư đầy tiềm năng như Myanmar. Trong vài tháng gần đây, nhiều phái đoàn doanh nghiệp Nhật đã sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Myanmar, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, may mặc, du lịch, y tế, dầu khí, quặng mỏ. Họ cho rằng đây là thời điểm gấp rút cần đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar khi thị trường 60 triệu người tiêu dùng này đang ngày càng mở rộng cửa. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và giá nhân công rẻ ở Myanmar cũng là lý do hấp dẫn. Ngoài Trung Quốc là nhà đầu tư và thương mại chiếm vị trí số một, Myanmar đang chủ trương đa dạng hóa đối tác làm ăn và người Nhật không muốn làm kẻ chậm chân.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)