01/07/2011 - 10:09

Nhật Bản - thao trường huấn luyện ứng phó chiến tranh hạt nhân

Trực thăng của thủy quân lục chiến Mỹ tham gia công tác cứu hộ ở Nhật Bản.

Sau sự cố hạt nhân hồi tháng 3 vừa qua, Nhật Bản đã trở thành phòng thí nghiệm bất đắc dĩ để Mỹ nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân. Thảm họa này đã tạo ra môi trường tương tự như những điều kiện mà quân đội Mỹ có thể đối mặt nếu chẳng may đất nước họ bị tấn công khủng bố bằng bom “bẩn” phóng xạ.

Trong cuộc họp báo với các chỉ huy Quân đoàn thủy quân lục chiến mới đây, lực lượng Mỹ đóng trên đảo Okinawa của Nhật cho biết kinh nghiệm từ chiến dịch Tomodachi, nỗ lực cứu trợ Nhật Bản sau thảm họa động đất-sóng thần ngày 11-3, có thể giúp quân đội Mỹ phản ứng trước những viễn cảnh chiến đấu trong điều kiện tồi tệ nhất. Đây là lần đầu tiên các máy bay của lính thủy đánh bộ hoạt động trong môi trường bị nhiễm phóng xạ và Trung tá Damien Marsh, chỉ huy trưởng phi đội trực thăng 265, nhấn mạnh kinh nghiệm trên là có “giá trị chiến lược”. Tướng James Amos, tư lệnh Quân đoàn thủy quân lục chiến, cho biết “Trong tương lai, không khó để tin rằng chúng ta có thể phản ứng tốt ở nơi nào xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân, bom bẩn hoặc khủng bố”.

Đề phòng tác hại từ hạt nhân luôn là trọng tâm huấn luyện của quân đội Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi Mỹ và Liên Xô, những nước có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, đối đầu nhau. Trong sứ mệnh cứu trợ ở Nhật Bản, máy bay tại căn cứ không quân Futenma của Hải quân Mỹ đã xử lý chùm phóng xạ bị rò rỉ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Thủy quân lục chiến Mỹ chở hàng cứu trợ đến đây bằng trực thăng CH-46 và máy bay vận tải C-130J. Điều này có nghĩa là một số máy bay và phi công Mỹ đã đi vào môi trường nhiễm xạ.

Những binh sĩ Mỹ đầu tiên triển khai hoạt động trên mặt đất ở Nhật Bản được trang bị quần áo và mũ trùm đầu chống phóng xạ, thuốc chống nhiễm xạ và máy dò phóng xạ cầm tay. Những người hướng dẫn yêu cầu tất cả thành viên của phi đội mang theo dụng cụ đo bức xạ để theo dõi phóng xạ phát tán và thiết bị trên cũng được lắp đặt bên ngoài máy bay của họ. Kết thúc mỗi chuyến bay, các nhân viên, máy bay và thiết bị đều được quét kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ. Một nhóm nhân viên chuyên làm công tác báo cáo hằng ngày sẽ thường xuyên cập nhật mức độ phóng xạ ở Nhật Bản để cung cấp thông tin nhanh cho các chỉ huy quân đội và quan chức chính phủ.

Các đội ứng phó thảm họa hạt nhân của lính thủy đánh bộ Mỹ đã kiểm tra tổng cộng 73 máy bay, hơn 300 phương tiện xe cộ và các thiết bị chính cùng hàng trăm nhân viên. Kết quả cho thấy có rất ít nhân viên bị nhiễm xạ, nhưng có 25 máy bay cần phải khử nhiễm xạ. Công tác tháo gỡ và lau chùi máy bay nhiễm xạ là nhiệm vụ đòi hỏi phải có chuyên môn sâu. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, phải mất 1.200 giờ để tẩy sạch chiếc trực thăng CH-46 từng tiếp xúc bụi phóng xạ. Một số bộ phận cố định trên máy bay đặc biệt khó làm sạch. Trong một số trường hợp, việc dùng nước rửa những bộ phận bị nhiễm xạ không đủ mà cần phải lau sạch bằng tay với loại khăn chuyên dụng. Phải mất 1 tháng để binh sĩ Mỹ làm sạch hết tất cả máy bay của họ ở Okinawa. Mặc dù công việc này làm chậm lịch trình bay, nhưng theo người chỉ huy phi đội, những bài học rút ra từ chiến dịch trên rất đáng giá.

LAN TRINH
(Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết