TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nhật Bản hôm 5-4 công bố hướng dẫn cho một chương trình mới nhằm cung cấp “hỗ trợ an ninh chính thức” cho quân đội các quốc gia cùng chí hướng, đánh dấu lần đầu tiên Tokyo phá bỏ quy tắc lâu nay là tránh dùng viện trợ phát triển cho các mục đích quân sự.

Tàu hải quân Nhật Bản trong một đợt tuần tra trên biển. Ảnh: AFP
Lần đầu được công bố trong Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) sửa đổi vào tháng 12 năm ngoái, chương trình Hỗ trợ An ninh nước ngoài (OSA) sẽ được quản lý tách biệt với chương trình Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA), chuyên cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án xây dựng đường sá, đập và các cơ sở hạ tầng dân sự khác.
OSA ban đầu sẽ cung cấp thiết bị, vật tư và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đối tác dưới hình thức tài trợ, thay vì cho vay, nhằm củng bố “kiến trúc phòng thủ toàn diện” của khu vực. Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong một tuyên bố cho biết, mục đích của sáng kiến là “đóng góp vào việc tạo ra một môi trường an ninh như mong muốn của Nhật Bản”, đồng thời duy trì “các nguyên tắc cơ bản của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hòa bình”. Bộ Ngoại giao Nhật cho hay, các khoản viện trợ theo chương trình mới sẽ không được sử dụng để mua vũ khí sát thương dùng trong xung đột với nước khác, tuân thủ 3 nguyên tắc của xứ Mặt trời mọc về chuyển giao quốc phòng được đưa ra hồi năm 2014.
Hiện chưa rõ loại thiết bị quân sự hoặc cơ sở vật chất nào sẽ được cung cấp thông qua OSA nhưng Bộ Ngoại giao Nhật cho biết các loại khí tài thuộc chương trình chủ yếu bao gồm các tàu tuần tra nhỏ, máy bay không người lái, hệ thống radar và thông tin liên lạc.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Philippines sẽ là một trong những nước được hưởng lợi đầu tiên từ OSA. Trước đó, Philippines từng nhận được các hệ thống radar cảnh báo và kiểm soát cũng như các tàu đa năng và máy bay giám sát hàng hải từ Nhật Bản theo gói ODA mở rộng. Những quốc gia tiếp nhận tiếp theo có thể là Malaysia, Bangladesh và Fiji.
Chương trình được đưa ra trong bối cảnh Tokyo chuyển từ cách tiếp cận phi quân sự sang quan hệ mật thiết với các nước láng giềng và mong muốn hiện thực hóa chiến lược “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Chính phủ Nhật Bản cho biết, OSA sẽ tập trung vào việc cải thiện năng lực quân sự của khu vực để có thể tiến hành giám sát lãnh hải và không phận, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cũng như các hoạt động ứng phó thảm họa của Liên Hiệp Quốc.
Trong ngân sách tài khóa 2023, Chính phủ Nhật Bản dành 2 tỉ yen (tương đương 15 triệu USD) cho OSA. Khoản tài trợ này sẽ tách biệt với khoản hỗ trợ dành cho phát triển kinh tế và xã hội trị giá 570 tỉ yen mà Tokyo cung cấp cho các nước đang phát triển. Dù ngân sách dành cho OSA chủ yếu mang tính biểu tượng, đặc biệt là so với các quỹ của ODA, nhưng giới chuyên gia cho rằng quyết định khởi động chương trình là rất quan trọng, bởi nó đánh dấu một bước nữa trong hành trình hướng tới vị thế phòng thủ chủ động và mạnh mẽ hơn của Nhật Bản và nó sẽ một công cụ nữa để Nhật Bản tăng cường quan hệ với các quốc gia nằm ngoài phạm vi viện trợ ODA truyền thống.
“Bước đi này cho thấy Tokyo ngày càng nhận ra rằng xuất khẩu quốc phòng có thể đóng vai trò tích cực trong quan hệ an ninh khu vực” - Simon Chelton, giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản, nhận định. Robert Ward, thành viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng việc Nhật Bản đưa ra chiến lược hỗ trợ phát triển nói trên cũng làm nổi bật việc Tokyo quyết tâm cải thiện an ninh khu vực.