12/12/2018 - 19:18

Nhật Bản sắp có tàu sân bay sau 70 năm 

Không lâu sau thông tin về thỏa thuận mua thêm 100 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ, Nhật Bản tiếp tục lộ kế hoạch nâng cấp tàu khu trục trực thăng thành tàu sân bay nhằm tăng cường năng lực phòng thủ dựa trên chương trình quốc phòng mới dự kiến thông qua trong tháng này.


Khu trục hạm trực thăng Izumo của Nhật. Ảnh: AP

Theo nội dung bản phác thảo Cương lĩnh Quốc phòng mới do chính phủ đệ trình và được đảng cầm quyền phê chuẩn hôm 11-12, Nhật Bản sẽ cho phép máy bay chiến đấu triển khai từ các tàu chiến hiện có, nếu cần thiết, nhằm tăng tính linh hoạt trong các chiến dịch. Để đáp ứng mục tiêu này, Tokyo đang cân nhắc nâng cấp chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển là Izumo thành tàu sân bay trang bị công nghệ tàng hình và có thể chở chiến đấu cơ cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh theo kiểu thẳng đứng (STOVLS) như F-35B do Mỹ sản xuất.

Việc chuyển đổi khu trục hạm trực thăng Izumo thành tàu sân bay mang theo chiến đấu cơ sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai. Trong bản dự thảo, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh Nhật Bản cần sở hữu các phi đội STOVLS tiên tiến như F-35B để mở rộng phạm vi giám sát, tăng cường năng lực phòng không ở các khu vực nước này không có căn cứ quân sự như Thái Bình Dương. Dự thảo cũng đề xuất thành lập đơn vị đặc nhiệm trong lĩnh vực không gian, tấn công mạng và chiến tranh điện tử; tích hợp lực lượng phòng vệ trên biển, trên không và mặt đất nhằm nâng cao khả năng phối hợp trong các chiến dịch.

Quyết định tăng cường năng lực tác chiến của Nhật Bản được đưa ra tại thời điểm Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hiện diện hải quân, không quân trên các vùng biển tranh chấp. Trước động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng lợi ích của Tokyo trong khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe hôm 11-12 nói rõ Nhật Bản phải tách khỏi khái niệm lâu nay về phòng thủ trên bộ, trên không, trên biển và nhanh chóng cải tổ hệ thống phòng thủ quốc gia tạo nền tảng cần thiết trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch chi tiêu và nâng cấp khí tài quân sự mà Nhật Bản đề cập gần đây một mặt phản ánh mối quan tâm chung của liên minh Mỹ- Nhật trước tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Các thỏa thuận mua vũ khí đắt tiền mặt khác giúp Tokyo xoa dịu áp lực giảm thâm hụt thương mại từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đây cũng là rào cản đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vốn đang thúc đẩy chương trình phát triển máy bay tàng hình thế hệ mới dựa trên nguồn lực nội tại. Đồng thời, kế hoạch này được dự báo khơi mào tranh luận chính trị xung quanh câu hỏi liệu Nhật Bản mở rộng tiềm lực quân sự có vi phạm Hiến pháp hòa bình vốn giới hạn năng lực quân sự nước này trong phạm vi tự vệ.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết