24/04/2017 - 15:32

Nhật Bản quan ngại vấn nạn trung niên “sống bám”

Trước thực trạng dân số đang già đi, các nhà nhân khẩu học đặt câu hỏi liệu thế hệ thanh niên Nhật Bản vốn sống dựa vào cha mẹ trong nhiều năm qua sẽ như thế nào nếu người thân của họ đến tuổi về hưu hoặc qua đời.

Nhân vật đầu tiên trong phóng sự của hãng tin Reuters là Hiromi Tanaka – nghệ sĩ hát lót cho các nhóm nhạc pop trước đây. Ở tuổi 54, Tanaka đang sống trong một ngôi nhà cũ liền kề với nhà cha mẹ. Trước đây, thu nhập của cô chủ yếu dựa vào tiền dạy nhạc và trợ cấp của hai vị sinh thành. Nhưng sau khi cha cô qua đời hồi năm ngoái, nguồn thu nhập hưu trí của gia đình đã giảm đi một nửa. Hiện cũng đã tiêu xài hết số tiền tiết kiệm, Tanaka và mẹ cô đang đối mặt viễn cảnh sa sút nếu tình trạng này tiếp tục.

Hiromi Tanaka – một trong số các trường hợp người độc thân sống dựa vào gia đình. Ảnh: Reuters

Tanaka chỉ là một trong số các trường hợp người độc thân sống bám gia đình ở Nhật Bản. Theo dữ liệu do Viện Đào tạo và Nghiên cứu Thống kê Nhật Bản vừa công bố, khoảng 4,5 triệu người Nhật Bản từ 35-54 tuổi đang sống cùng bố mẹ. Trong số những người ở độ tuổi ngũ tuần, cứ 4 nam giới thì có một người chưa lập gia đình và tỷ lệ này ở nữ giới là 1/7.

Nhà xã hội học Masahiro Yamada thuộc Đại học Chuo cho biết hiện tượng trên đã xuất hiện vào thời kỳ "bong bóng kinh tế" từ cuối năm 1986 đến giữa thập niên 90. Khi đó, lớp thanh niên trẻ trong độ tuổi 20 hầu như nghĩ họ sẽ kết hôn ở độ tuổi 30 nhưng thực tế cho thấy 1/3 thế hệ này chưa từng kết hôn, thậm chí sống cùng cha mẹ đến bây giờ. Ngoài nguyên nhân chính là không lập gia đình, một số người ở độ tuổi trung niên sống dựa vào cha mẹ cũng từng có công việc ổn định nhưng lại thất nghiệp do bệnh tật hoặc doanh nghiệp tái cơ cấu khi các công ty cắt giảm chi phí để cạnh tranh.

Cùng với thế hệ trung niên sống bám gia đình, tương lai cũng đặc biệt ảm đạm đối với "hikikomori" - những người bên lề xã hội do hầu như không ra khỏi nhà hoặc từ chối tiếp xúc với người khác.

Tác động đến xã hội

Theo các nhà nghiên cứu, xu hướng "sống bám" là một trong những nguyên nhân đằng sau mức sinh thấp của Nhật Bản. Việc 20% những người ở độ tuổi trung niên không có lương hưu, tiền tiết kiệm mà chỉ dựa vào bố mẹ còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi và mạng lưới an sinh xã hội Nhật Bản vốn đang bị áp lực bởi tình trạng dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp.

Thực trạng này cũng gây trở ngại cho chỉ số tiêu dùng vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. "Vấn đề hiện nay là họ sẽ làm gì sau khi cha mẹ qua đời. Đây chính là quả bom nhân khẩu học đang chờ phát nổ" – theo một thành viên của nhóm hỗ trợ cho các bậc cha mẹ lo lắng về tương lai con cái họ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết