15/11/2010 - 08:21

Nhật Bản nỗ lực giảm căng thẳng với Trung Quốc và Nga

Cái bắt tay “nhạt” giữa Thủ tướng Naoto Kan (phải) và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AP

Trong các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Yokohama (Nhật Bản) hôm 13-11, đáng chú ý là hai cuộc gặp giữa Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Nỗ lực của Thủ tướng Kan là nhằm giải tỏa những vấn đề đang gây khó khăn cho chương trình nghị sự của ông và đang tạo ra làn sóng chỉ trích từ trong nước. Đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ với hai nước láng giềng lớn.

Thủ tướng Kan gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai bên, kể từ khi xảy ra vụ va chạm tàu ở vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hồi hai tháng trước. Tuy nhiên, cuộc gặp 20 phút và chỉ được thông báo vào phút chót này dường như không giải quyết được vấn đề gì. Bắt đầu cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo tỏ ra không thoải mái và không vui vẻ, bắt tay lấy lệ và rồi trao đổi những lời xã giao lịch sự. Mặc dù vậy, Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Tetsuro Fukuyama xem đây là “bước tiến quan trọng”, sau khi Bắc Kinh nhiều lần từ chối đề nghị của Tokyo về các cuộc đàm phán chính thức.

Bên cạnh cuộc gặp giữa Thủ tướng Kan và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hai nước cũng tiến hành đối thoại cấp Ngoại trưởng hôm 14-11. Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì nhất trí cải thiện quan hệ song phương, bằt đầu từ các hoạt động giao lưu văn hóa. Hai bộ trưởng cũng thảo luận toàn diện “chiến lược phát triển, an ninh, hội nhập kinh tế khu vực, đánh giá các mục tiêu Bogor và vòng đàm phán Doha...”. Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Maehara giục Bắc Kinh mở lại đàm phán về mỏ khí đốt trên biển Hoa Đông, ông Dương Khiết Trì cho rằng “môi trường” cần được giải quyết trước, nhưng không ai rõ ông muốn ám chỉ gì.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng lớn ở Đông Bắc Á, vốn lâu nay hục hặc vì chủ nghĩa quân phiệt Nhật giai đoạn 1930-1940, đã rơi xuống mức thấp nhất vài năm gần đây vào tháng 9 vừa qua, sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng. Ông Chiêm Kỳ Hùng bị bắt vì để tàu cá va chạm với tàu tuần tra của Nhật ở gần đảo mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh bằng việc hoãn các cuộc đàm phán ngoại giao cấp trung, ngưng xuất khẩu đất hiếm (chất liệu quan trọng trong chế tạo hàng điện tử ở Nhật) và bắt giữ 4 thương gia Nhật. 2 tuần sau đó, Tokyo thả thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng, nhưng Bắc Kinh yêu cầu xin lỗi và bồi thường. Nhật phản ứng bằng cách yêu cầu Trung Quốc trả chi phí thiệt hại cho tàu tuần tra mà Tokyo cho là bị tàu cá đâm thủng.

Sau đó, các quan chức Nhật nỗ lực sắp xếp các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo hai nước nhằm cải thiện quan hệ, nhưng hầu hết các cuộc gặp diễn ra chóng vánh và không chính thức, bên lề các hội nghị thượng đỉnh đa phương. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang có lập trường cứng rắn với Tokyo để trấn an dư luận trong nước khi cuộc tranh chấp này kích động các cuộc biểu tình khắp Trung Quốc.

Thủ tướng Kan cũng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 13-11 xung quanh tranh cãi về quần đảo Nga gọi là Kuril và Nhật gọi là vùng lãnh thổ phía Bắc. Đầu tháng này, Tổng thống Medvedev đã tới quần đảo trên, đi thăm xí nghiệp chế biến cá và chụp hình ở một mũi đất trên đảo Kunashir (Nhật gọi là Kunashiri). Nhật đã phản ứng giận dữ, triệu hồi đại sứ tại Mát-xcơ-va về nước. Thủ tướng Kan cũng chính thức phản đối vụ việc. Tại cuộc gặp lần này, mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng các quan chức Nhật cho biết hai bên nhất trí hợp tác vì lợi ích song phương, và rằng cuộc tranh cãi còn tồn tại không ảnh hưởng tới việc ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy phân bón ở Nga.

N. KIỆT
(Theo NYT, Washingtonpost, Reuters)

Cái bắt tay “nhạt” giữa Thủ tướng Naoto Kan (phải) và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết