20/06/2018 - 17:06

Nhật Bản hướng tới “số hóa” lĩnh vực chăm sóc sức khỏe 

Trong thời đại mà người ta dành phần lớn thời gian cho các thiết bị điện tử, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không tận dụng điều đó để “số hóa” ngành chăm sóc sức khỏe? Theo báo Japan Today, đất nước Mặt trời mọc đang từng bước gia nhập cuộc cách mạng “y tế kỹ thuật số” này.

Khái niệm “y tế kỹ thuật số” có thể còn khá mới với nhiều người nhưng mối quan tâm về nó đang tăng nhanh tại Nhật. Theo Japan Today, nguồn vốn đầu tư dành cho công nghệ y tế tại Nhật đã tăng 59% trong giai đoạn 2015-2016 và trong năm 2017, hơn 400 tin tức xuất hiện trên trang web chuyên về lĩnh vực này Nikkei Digital Health trong khi Google phải hồi đáp 7,7 triệu lượt tìm kiếm cho cụm từ “y tế kỹ thuật số” bằng tiếng Nhật.

Thế nào là “số hóa” chăm sóc sức khỏe?

Tại một sự kiện được tổ chức gần đây, Ryohei Goto, đối tác công ty tư vấn quản lý toàn cầu Mỹ AT Kearney đã ca ngợi tiềm năng phát triển của Nhật trong lĩnh vực y tế kỹ thuật số, tác động của nó đối với bệnh nhân và giới y khoa, kèm theo đó là các giải pháp mà Chính phủ Nhật Bản có thể hỗ trợ tốt nhất cho những sáng kiến này.

Viên thuốc kỹ thuật số Abilify MyCite giúp bác sĩ kiểm soát tốt hơn tiến trình điều trị ở bệnh nhân. Ảnh: The Verge

 

Nói về những tiến bộ mới trong ngành y tế kỹ thuật số, ông Goto nêu điển hình là sự hợp tác giữa tập đoàn Amazon và hãng dược Merck & Co trong việc tích hợp công nghệ “trợ lý ảo” Alexa vào điều trị bệnh tiểu đường. Theo đó, người bệnh thay vì chờ y tá hoặc phần mềm trên điện thoại thông minh nhắc nhở uống thuốc, Alexa sẽ cho họ biết khi nào thật sự cần uống thuốc.

Một đột phá khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là sự ra đời viên thuốc kỹ thuật số đầu tiên mang tên Abilify MyCite. Đây là sản phẩm chung của Công ty Otsuka Pharmaceutical (Nhật Bản) và Tập đoàn Proteus Digital Health của Mỹ, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành. Abilify MyCite bao gồm cảm biến siêu nhỏ tích hợp bên trong viên thuốc, một miếng dán ngoài da và ứng dụng di động. Khi viên thuốc tan trong dạ dày người bệnh, cảm biến tiếp xúc với dịch dạ dày và được kích hoạt để truyền thông tin đến miếng dán. Dữ liệu này được chuyển tiếp đến ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhờ đó bác sĩ hoặc người nhà có thể theo dõi sát sao tình hình điều trị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cảm biến sẽ được đào thải ra ngoài an toàn theo đường tiêu hóa.

Được biết, cảm biến này đã được áp dụng truyền thuốc chữa trị các bệnh như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, bệnh trầm cảm hoặc hưng cảm... Thường những bệnh nhân này hay bỏ liều thuốc được chỉ định, do đó cải tiến việc giám sát có thể đảm bảo bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, đẩy nhanh tiến trình phục hồi.

Lợi ích trong phòng và điều trị bệnh

Theo ông Goto, tuân thủ phác đồ điều trị là vấn đề lớn ở Nhật Bản. Ước tính, khoảng 30% người được chẩn đoán mắc các bệnh về lối sống ngừng uống thuốc trong vòng 6 tháng. Nguyên nhân là vì họ không muốn uống quá nhiều thuốc trong thời gian dài nhưng hiệu quả thì không như mong đợi. Thực trạng này không chỉ lãng phí tiền của bệnh nhân mà còn gây thiệt hại từ 10-15% cho ngành dược phẩm Nhật Bản. Hơn nữa, những bệnh nhân đang tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần là nhóm đối tượng không hài lòng nhất với việc điều trị bằng thuốc. Do đó, sự ra đời của các sản phẩm như viên thuốc kỹ thuật số Abilify MyCite hay những ứng dụng di động cho phép người bệnh giảm phụ thuộc vào thuốc mà vẫn kiểm soát bệnh tốt hơn đang được kỳ vọng nhiều.

Không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, những tiến bộ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số còn giúp người ta phòng bệnh hiệu quả hơn. Chẳng hạn như hệ thống xét nghiệm đang được công ty công nghệ sinh học Euglena triển khai giúp mỗi cá nhân hiểu rõ hơn về hệ gien của mình. Cụ thể, với mẫu nước bọt được lấy tại nhà và đưa đến trung tâm xét nghiệm yếu tố nguy cơ gây bệnh, Euglena có thể giúp lọc dữ liệu và kết nối khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên khoa để phân tích rõ hơn rủi ro mắc bệnh. Theo ông Goto, xét nghiệm này tuy đơn giản và tốn khoảng 200 USD nhưng nó có thể giúp người ta giảm đáng kể chi phí điều trị suốt đời.

Kinh phí

Đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe thông qua các công cụ kỹ thuật số đang được hưởng ứng ở Nhật Bản. Hiện tại, tổng kinh phí cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản là khoảng 799 tỉ USD nhưng chỉ 181 tỉ trong số đó có khả năng hướng tới công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu, thông tin và truyền thông. Nhưng với các nguồn vốn đang sẵn sàng đầu tư cộng với lợi ích tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân trong tương lai, ông Goto tin tưởng “số hóa” dịch vụ y tế kỹ thuật số đang có cơ hội lớn tại Nhật Bản - một quốc gia có dân số già nhưng dẫn đầu về đổi mới y tế, hướng tới phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh một cách kinh tế hơn. 

ĐƯỜNG THẤT

Chia sẻ bài viết