11/04/2009 - 07:51

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:

Nhanh chóng giải quyết bức xúc về nhà ở cho các đối tượng xã hội

Đề án phát triển nhà ở cho học sinh - sinh viên, công nhân khu công nghiệp tập trung và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2009. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trao đổi với báo chí về những “bước đột phá” để hiện thực hóa chính sách này.

* Nhiều năm nay, vấn đề nhà ở xã hội được bàn đến nhiều và trên thực tế cũng đã có một số địa phương triển khai thí điểm. Tuy nhiên, các đề án này vẫn “giậm chân tại chỗ” do không thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết, những nội dung nêu tại Dự thảo “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở xã hội cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị” có phải là bước đột phá để thực hiện chính sách nhà ở xã hội?

- Đúng là thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị chậm được triển khai vì nhiều nguyên nhân, trong đó, một phần do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần phải thống nhất nhận thức rằng, sau 15 năm xóa bỏ bao cấp về nhà ở (từ năm 1994), mặc dù không bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà ở để phân phối như trước đây, nhưng Nhà nước đã tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách để các thành phần kinh tế, gia đình, cá nhân tham gia tạo lập nhà ở. Thực tế cho thấy điều kiện về nhà ở của các tầng lớp nhân dân tại khu vực đô thị đã được cải thiện rõ rệt. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại khu vực nông thôn và vùng thường xuyên bị thiên tai cải thiện về điều kiện nhà ở.

Trong quá trình thực hiện xã hội hóa lĩnh vực nhà ở vận hành theo cơ chế thị trường, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị rất khó mua nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi giá đất, giá vật liệu xây dựng tăng làm cho giá nhà tăng cao. Sau một thời gian thực hiện Luật Nhà ở (2005), Bộ Xây dựng thấy rằng, trong các đối tượng xã hội cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi loại đối tượng có điều kiện, đặc điểm và nhu cầu khác nhau. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách, mô hình hỗ trợ khác nhau cho phù hợp. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở cho một số đối tượng xã hội. Trước mắt, 3 loại đối tượng được tập trung giải quyết nhà ở là học sinh - sinh viên, công nhân khu công nghiệp tập trung và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị với 3 mô hình, cơ chế hỗ trợ khác nhau.

Ký túc xá Cà Mau có quy mô 5 tầng gồm 72 phòng và 1 hội trường 100 chỗ, giải quyết nơi ở  cho 524 sinh viên
Trường Đại học Cần Thơ với tổng kinh phí xây dựng trên 14 tỉ đồng. Ảnh: KIM XUÂN 

Đề án đã được Chính phủ thông qua tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2009 vừa qua, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Đề án được đánh giá là có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu của thực tế hiện nay. Đặc biệt, đề án đã đề xuất thêm mô hình phát triển nhà thu nhập thấp để bán (trả tiền một lần hoặc trả góp) và cho thuê cho một số đối tượng thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Loại nhà ở này do các doanh nghiệp đầu tư, nhưng được Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, quy hoạch và thủ tục đất đai, đồng thời cũng chịu sự kiểm soát của Nhà nước về giá bán, đối tượng mua và chuyển nhượng nhà ở. Đây là giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào chương trình phát triển nhà ở xã hội và có thể coi đây là bước đột phá để hiện thực hóa chính sách này.

* Năm 2009 được xác định là năm thực hiện quyết liệt các đề án nhà ở xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết, hiện nay kế hoạch này đã được triển khai như thế nào?

- Chính sách nào thì cũng cần phải tổ chức thực hiện tốt, có như vậy, chính sách mới đi vào cuộc sống. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đã yêu cầu năm 2009 phải tạo được bước đột phá trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ. Đặc biệt, để khởi công xây dựng 200.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và tại một số địa phương trọng điểm từ nguồn trái phiếu Chính phủ ngay trong giai đoạn 2009-2010, các thủ tục đầu tư cần phải được rút ngắn.

Được Chính phủ giao là cơ quan điều phối Chương trình, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các văn bản pháp lý để cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp giai đoạn 2009 - 2015 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ chỉ đạo một số địa phương và doanh nghiệp nhà nước triển khai thí điểm một số dự án để rút kinh nghiệm về cơ chế, chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện.

Chương trình phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà thu nhập thấp tại khu vực đô thị giai đoạn 2009 - 2015 là một Chương trình lớn, có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc nhanh chóng giải quyết bức xúc về nhà ở cho các đối tượng này, Chương trình còn có ý nghĩa thiết thực góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Để Chương trình triển khai có kết quả, đạt được mục tiêu đã đề ra cần phải có sự tham gia, phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành ở Trung ương và đặc biệt là công tác tổ chức thực hiện một cách quyết liệt ở các địa phương.

Chương trình cũng rất cần có sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội, cũng như giám sát trong quá trình thực hiện.

* Dư luận cho rằng, hiện các dự án nhà ở giá thấp thường chỉ được bố trí ở vị trí xa trung tâm, trong khi những vị trí thuận lợi và có cơ sở hạ tầng tốt thường dành cho dự án nhà ở thương mại cao cấp. Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này?

- Do đây là loại nhà ở phục vụ những đối tượng có thu nhập thấp, vì vậy chúng ta mong muốn các nhà ở này phải có giá cả phù hợp để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được. Trong khi giá của bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố vị trí, nên nhà cho người thu nhập thấp sẽ khó phát triển ở những vị trí có giá trị thương mại cao. Nói như vậy không có nghĩa nhà thu nhập thấp chỉ phát triển ở những vùng xa trung tâm. Nghị định 90/NĐ-CP ngày 6-9-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định, các dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên, các dự án Khu đô thị mới phải dành tối thiểu 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy những đối tượng có thu nhập thấp cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ các dự án nhà ở và đô thị mang tính thương mại.

Mặt khác chúng ta cũng phải thay đổi nhận thức về khái niệm “trung tâm”, trong quá trình phát triển đô thị nếu xác định trung tâm là vị trí cố định để làm định hướng phát triển là không phù hợp, chúng ta đang chủ trương phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm với các đô thị vệ tinh. Điều quan trọng là phải nhanh chóng đáp ứng hạ tầng đô thị đồng bộ cho các khu vực phát triển mới thì sẽ thu hút được người dân đến ở.

Chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Quan điểm này cũng phải được quán triệt trong quá trình phát triển đô thị và trong chính sách nhà ở. Gần đây có một số ý kiến cho rằng, không thể xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp bên cạnh các khu nhà cao cấp, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải phát triển hài hòa mới có thể bền vững được.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

NGUYỄN THU HẰNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết