06/12/2011 - 20:25

TP CẦN THƠ

Nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn

Trong vụ đông xuân 2011-2012, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ phát triển thêm nhiều CĐML. Trong ảnh: CĐML ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: MINH HUYỀN

Vụ hè thu năm 2011, TP Cần Thơ triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh với 208 nông hộ tham gia. Sản xuất theo CĐML, nông dân được đảm bảo đầu vào lẫn đầu ra, tiết giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng trung bình 4,6 triệu đồng/ha. Với những thành công bước đầu, TP Cần Thơ phát triển diện tích CĐML lên 1.500 ha trong vụ đông xuân 2011-2012...

* Bước chuyển...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, việc triển khai thí điểm mô hình CĐML đầu tiên ở TP Cần Thơ trong vụ hè thu 2011 tại huyện Vĩnh Thạnh với sự tham gia của “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ... Trước những kết quả đạt được, vụ đông xuân 2011-2012, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quyết định nhân rộng mô hình này. Theo đó, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện CĐML 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An và xây dựng thêm 1 CĐML mới tại xã Thạnh Lợi 170ha. Huyện Cờ Đỏ xây dựng mới 2 CĐML tổng diện tích 548 ha tại xã Thới Xuân và xã Thạnh Phú; huyện Thới Lai 2 CĐML 500 ha tại 2 xã Đông Bình và Trường Thành; CĐML quận Thốt Nốt 70 ha... Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để nhân rộng mô hình CĐML, yêu cầu trước tiên là nông dân phải tự nguyện tham gia, tiếp theo là vùng sản xuất phải có hệ thống giao thông thủy, bộ tốt để tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, mỗi địa phương cần thành lập ban điều hành để huy động sự tham gia của các bên liên quan...”.

Theo các chuyên gia đầu ngành, việc chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết sản xuất lúa với quy mô lớn; ứng dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật trong CĐML là nhu cầu tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. CĐML là một hình thức mới để tập hợp “nhiều nông dân nhỏ” (hoạt động trong các câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác) sản xuất lúa theo hướng thâm canh. Ông Lâm Minh Trí, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, nói: “2 CĐML thí điểm của huyện hội tụ những yếu tố thuận lợi vì có hệ thống đê bao khép kín, nông dân có kinh nghiệm trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái,... Đặc biệt, nông dân đã từng liên kết với các doanh nghiệp (DN) thực hiện bao tiêu lúa hàng hóa theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho rằng: “Thực hiện mô hình CĐML là một hoạt động mang tính cộng đồng, toàn diện. Vì vậy, việc triển khai mô hình được sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền, ngành nông nghiệp địa phương. Mục tiêu của chương trình phù hợp với nhu cầu của nông dân, giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nên được sự đồng thuận cao từ phía nông dân...”.

* Để CĐML là đồng “bội thu”

Để CĐML thành công, sự liên kết giữa DN và nông dân là nhân tố quyết định. Trong khi nông dân đóng vai trò trung tâm thì DN phải giữ vị trí “nhạc trưởng”, DN là lực lượng trực tiếp xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong mối liên kết “4 nhà”. Hiện tại, CĐML tại TP Cần Thơ đã tổ chức được một số hình thức liên kết như: DN cung ứng giống lúa đầu vào (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần Mêkông); cung ứng phân bón (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ-Đạm Phú Mỹ), thuốc bảo vệ thực vật (Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ-CPC); bao tiêu lúa (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH Trung An, Công ty Cổ phần Mêkông)... Ông Nguyễn Việt Quân, nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, phấn khởi nói: “Nhờ được công ty ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc, không phải qua trung gian đại lý, từ đầu vụ đến nay, tôi giảm được chi phí sản xuất khoảng 1 triệu đồng/1 ha đất canh tác”. Theo nhiều nông hộ, năm nay do nước lũ rút chậm, chi phí đầu tư cho việc bơm tát để xuống giống kịp thời vụ cao, song với lượng phù sa dồi dào, thời tiết thuận lợi nên khả năng cuối vụ đông xuân chi phí sản xuất của nông dân sẽ giảm đáng kể.

Việc DN tham gia cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu lúa trong CĐML được xem là sự tiếp nối và hoàn thiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Lê Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mêkông, nói: “Mục tiêu mô hình CĐML cần hướng đến trong thời gian tới là xây dựng CĐML theo hướng VietGAP. Trước đây, chúng ta đã đầu tư thành công một số mô hình dạng này. Tuy nhiên, khi ứng dụng vào đại trà còn nhiều khó khăn, bởi trình độ sản xuất của một số nông dân còn hạn chế, trong khi việc áp dụng quy trình, kỹ thuật hiện đại vào thực tế sản xuất còn khá mới mẻ”. Theo ông Hải, bên cạnh giống, vật tư nông nghiệp, vấn đề đầu tư máy móc, đặc biệt là máy sấy phục vụ sau thu hoạch cần được đầu tư kịp thời, bởi những vụ lúa gần đây, nông dân có xu hướng bán lúa tươi. Nếu làm tốt khâu này, DN không chỉ tránh được tình trạng nông dân “bẻ kèo” bán lúa cho thương lái mà còn có thể mở rộng diện tích bao tiêu lúa vì DN luôn chủ động trong việc thu gom và giải quyết hết được lượng lúa sau khi thu hoạch, kể cả vào thời điểm “đông ken”.

Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải tổ chức và sắp xếp lại phù hợp với thực trạng, nhu cầu; việc sản xuất lúa theo CĐML là một xu thế tất yếu, phù hợp với điều kiện, tiềm năng của nền sản xuất lúa gạo của TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khẳng định: “CĐML được thực hiện theo đúng quy trình, mối liên kết “4 nhà” sẽ càng được thắt chặt. Đây là một bước ngoặt quan trọng tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng ổn định, đồng nhất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, ngoài công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp còn quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa tập trung phù hợp với quy hoạch vùng, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản lúa... Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ giữ vai trò là cầu nối trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua việc tổ chức ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các DN chế biến và tiêu thụ lúa gạo...”

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết