13/09/2016 - 20:24

Nhận diện những chế độ ăn lành mạnh nhất thế giới

Trong phỏng vấn mới đây với báo Anh Bưu điện Huffington, chuyên gia dinh dưỡng kiêm huấn luyện viên thể dục nổi tiếng người Mỹ gốc Canada Harley Pasternal cho biết ông đã đi đến các quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới để tìm hiểu bí mật đằng sau những bữa ăn cực kỳ bổ dưỡng của họ.

Dựa vào thành phần dinh dưỡng, nguyên liệu chế biến và kết quả kiểm chứng từ các nghiên cứu khoa học, ông Pasternal – cũng là tác giả sách bán chạy của Thời báo New York Times (Mỹ) – đã đúc kết 5 chế độ ăn lành mạnh nhất thế giới như sau:

Chế độ ăn Địa Trung Hải (ĐTH)

Mô tả: Đây là chế độ ăn truyền thống của vùng ĐTH, được áp dụng bởi dân Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, trong đó ưu tiên các nông sản địa phương, trồng theo mùa và thường được chuẩn bị vào các sự kiện gia đình và cộng đồng.

Các nguyên liệu chính: Trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả-hạt khô và dầu ôliu là những thành phần chủ chốt của chế độ ăn ĐTH. Cá, thịt gia cầm và rượu vang đỏ xuất hiện tương đối trong bữa ăn, trong khi thịt đỏ, muối và đường được sử dụng ở mức hạn chế.

 Thành phần nguyên liệu của chế độ ăn Okinawa – bí quyết sống thọ và khỏe mạnh của người Nhật. Ảnh: IB Times

Nghiên cứu chứng thực: Lợi ích của chế độ ăn ĐTH đã được nghiên cứu từ những năm 1970, và các nhà nghiên cứu phát hiện rằng thường xuyên tiêu thụ bữa ăn chứa dầu ôliu có thể giúp người ta giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đẩy lùi bệnh tiểu đường. Tạp chí News & World Report của Mỹ xếp chế độ ăn ĐTH hạng thứ 3 trong số 35 chế độ ăn lành mạnh nhất.

Chế độ ăn Nordic mới

Mô tả: Các nhà khoa học thiết kế chế độ ăn này theo hướng ít thịt, chú trọng ngũ cốc nguyên hạt, sử dụng nông sản địa phương với 75% sản phẩm hữu cơ (không sử dụng hóa chất khi trồng trọt). Chế độ ăn Nordic mới tương tự như chế độ ăn ĐTH, tức cũng chứa nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, trứng, dầu và hải sản, trong khi các thực phẩm như thịt, sản phẩm từ sữa, món ngọt và thức uống có cồn chỉ dùng hạn chế. Nhưng thay vì dùng dầu ôliu, chế độ ăn Nordic mới sử dụng dầu hạt cải và đây là sản phẩm bản địa của các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển.

Các nguyên liệu chính: Ngũ cốc nguyên hạt thì có yến mạch và lúa mạch đen; trái cây bản xứ và các loại quả mọng như tầm xuân, việt quất; rau củ họ cải như bắp cải bi, bông cải xanh, củ cải trắng (dài hoặc tròn), củ dền; dầu hạt cải, bơ thực vật, các sản phẩm sữa ít béo như sữa tươi, sữa chua và phô mai. Thịt đỏ dùng hạn chế gồm thịt bò, heo, cừu, trong khi hải sản chủ yếu là cá trích, cá thu và cá hồi. Chế độ ăn Nordic mới chứa ít món tráng miệng, chỉ vài chiếc bánh nướng làm từ cám yến mạch phết mứt. Rau gia vị dùng trong chế độ này gồm cần tây, mù tạt, cải ngựa và hành tăm.

Nghiên cứu chứng thực: Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ gần đây phát hiện chế độ ăn Nordic tác động đến các gien ở mỡ bụng và vô hiệu các gien gây viêm nhiễm. Nó còn giúp những người tham gia nghiên cứu giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2. Các nhà khoa học cũng ca ngợi những lợi ích về mặt kinh tế xã hội và sinh thái mà chế độ ăn Nordic mới mang lại, bằng cách cắt giảm nhu cầu sản xuất thịt và thực phẩm nhập khẩu từ các nước xa xôi.

Chế độ ăn Okinawa

Mô tả: Chế độ ăn truyền thống của người Nhật bắt nguồn từ đảo Okinawa, một trong những khu vực nghèo khó nhất Nhật Bản trước Thế chiến II. Hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên người dân thường chỉ tiêu thụ khoảng 80% lượng thức ăn cần để no bụng và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm với láng giềng nhiều nhất có thể - cũng là đặc điểm văn hóa ăn uống của họ. Chế độ ăn này rất bổ dưỡng nhưng ít năng lượng (calorie), nhờ chứa nhiều trái cây và rau củ, ít thịt, ngũ cốc tinh chế, đường, muối và sữa béo.

Các nguyên liệu chính: Khoai lang, gạo, rau lá xanh, củ và quả có màu xanh hoặc vàng; thực phẩm làm từ đậu nành như đậu hũ và nước tương. Người dân Okinawa cũng ăn một ít hải sản, thịt nạc và trà.

Nghiên cứu chứng thực: Những người Okinawa sinh trưởng cùng chế độ ăn bản địa hiện vẫn còn sống và gắn bó với cách nấu nướng truyền thống của họ. Thống kê cho thấy Okinawa là một trong những nơi có số người sống tới 100 tuổi nhiều nhất thế giới. Những cụ cao niên này hiện có tuổi già năng động, phần lớn đều "miễn nhiễm" với bệnh tật và được chứng thực có tốc độ lão hóa chậm hơn bình thường. Một số chuyên gia tin rằng thói quen ăn uống hạn chế calorie trong thời gian dài có thể đóng vai trò to lớn trong sự trường thọ của họ.

Chế độ ăn của người châu Á

Mô tả: Tuy không có hình mẫu chung nào cho chế độ ăn truyền thống của người châu Á, nhưng vào những năm 1990, một nhóm chuyên gia dinh dưỡng quốc tế đã nghiên cứu và tìm ra Kim tự tháp thực phẩm châu Á.

Các nguyên liệu chính: Mặc dù các nước áp dụng chế độ ăn này theo phong cách ẩm thực truyền thống của riêng mình, nhưng điểm chung là lấy gạo làm nguyên liệu chính (hiện diện hầu như trong mỗi bữa ăn). Bên cạnh gạo, mì và ngũ cốc nguyên hạt được tiêu thụ nhiều nhất, cùng với trái cây, rau củ, các loại đậu và quả-hạt khô. Cá và động vật có vỏ là sản phẩm được lựa chọn hàng ngày, trong khi trứng và thịt gia cầm được ăn hàng tuần, giống như các món ngọt. Chế độ ăn này còn khuyên ăn ít thịt đỏ, mỗi tháng 1 lần.

Nghiên cứu chứng thực: Dân châu Á ít bị béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường hơn các nước phương Tây. Tuy nhiên, một chuyên gia dinh dưỡng Mỹ cho rằng đặc điểm high-carb (nhiều chất bột, đường) và làm tăng đường huyết trong chế độ ăn truyền thống của người Trung Quốc kết hợp với lối sống hiện đại, ít vận động đã tạo nên tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp.

Chế độ ăn "nghịch lý Pháp" (French paradox)

Mô tả: Pháp có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong số các nước phát triển và tuổi thọ trung bình ở nước này cũng thuộc nhóm cao nhất, dù họ tiêu thụ rất nhiều thực phẩm. Đây chính là điều nghịch lý.

Các nguyên liệu chính: Phô mai béo, sữa chua, bơ, bánh mì. Ăn phô mai và sôcôla ít nhưng thường xuyên là biểu hiện đặc trưng trong chế độ ăn béo ngọt của người Pháp.

Nghiên cứu chứng thực: Một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng "nghịch lý Pháp" nghiêng về lối sống hơn là loại thực phẩm mà người ta tiêu thụ. Ví dụ, phần ăn của họ thường nhỏ, họ ăn rất chậm rãi, không ăn vặt và tranh thủ đi bộ ở bất cứ đâu. Các nhà khoa học khác lại tin rằng việc uống rượu vang đỏ có chừng mực cùng những tác dụng tích cực của phô mai xanh có thể góp phần mang lại tình trạng sức khỏe tốt cho người Pháp. Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe an toàn và lành mạnh, hãy bắt chước cách ăn uống của người Pháp, chứ đừng chú trọng họ ăn những gì – chuyên gia dinh dưỡng Pasternal khuyến nghị.

HẠNH NGUYÊN (Theo Huffington Post)

Chia sẻ bài viết