29/09/2016 - 10:28

Nhân dân tệ khó “soán ngôi” USD

Ngày 1-10 tới, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc sẽ được đưa vào rổ tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bên cạnh bảng Anh, euro, yen Nhật và đô-la Mỹ.

Theo giới phân tích, việc CNY được đưa vào "rổ" Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF là bước xác nhận quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự kiện này cũng cho thấy hiệu quả từ các chính sách nới lỏng kiểm soát tỷ giá của Bắc Kinh, qua đó giúp CNY được giao dịch tự do hơn.

Được biết, SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế tính giá trị dựa trên USD, euro, yen Nhật và bảng Anh. Một trong những định nghĩa cơ bản của đồng tiền dự trữ là nó phải được giao dịch tự do. Dưới chính sách kiểm soát giao dịch tiền tệ nghiêm ngặt của Trung Quốc, IMF năm 2010 đã từ chối yêu cầu của Bắc Kinh đưa CNY vào SDR với lý do "không được sử dụng tự do". Sau đó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh cải cách, chuyển sang cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn dựa trên thị trường, mở cửa thị trường trái phiếu và thu hẹp khoảng cách tỷ giá CNY trong và ngoài nước. Đến tháng 11-2015, IMF xác nhận CNY đủ tiêu chuẩn để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Việc CNY gia nhập cậu lạc bộ những đồng tiền mạnh sẽ khiến các ngân hàng trung ương cùng giới quản lý quỹ quốc tế tăng cường mua thêm tài sản của Trung Quốc. Trang tài chính Bloomberg ước tính, số vốn đổ vào sẽ hơn 1.000 tỉ USD trong 5 năm. Nhu cầu tăng lên trong tương lai đồng nghĩa tăng vị thế đồng tiền Trung Quốc. Về lâu dài, CNY mạnh hơn có thể cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu vì tăng sức mua của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng trên thế giới.

Một lĩnh vực khác được hưởng lợi là thị trường trái phiếu nội địa. Kể từ tháng 2-2016, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ tiền vào thị trường trái phiếu Trung Quốc sau khi Bắc Kinh giảm bớt các rào cản và cam kết tiếp tục nới lỏng. Sau nữa là vấn đề lãi suất. Với việc gia nhập SDR, lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, hạ thấp chi phí đi vay của Bắc Kinh.

Bloomberg nhận định việc góp mặt trong SDR là bước tiến mới trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng đồng CNY ra thế giới. Nhưng hãng tin tài chính Mỹ cũng nói thêm rằng vẫn còn một chặng đường dài để Trung Quốc hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng là đưa CNY lên vị thế toàn cầu, thậm chí "soán ngôi" USD vốn duy trì sự thống trị từ giữa thế kỷ 20, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt từ yen Nhật và euro.

Hiện tại, Trung Quốc tuy là quốc gia thương mại lớn nhất nhưng CNY hầu như không được sử dụng trên thị trường thế giới. Ngay cả trong mậu dịch Mỹ-Trung, chỉ 2,4% các khoản thanh toán được thực hiện bằng CNY. Theo nhận định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, CNY đã thất bại trong thử nghiệm là kênh an toàn khi thị trường biến động, điển hình là cú sốc đối với các nhà đầu tư sau việc Trung Quốc phá giá đồng tiền này hồi tháng 8-2015.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết