06/11/2022 - 12:49

Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ não 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, trung bình cứ 6 người thì có một người mắc đột quỵ não trong đời. Căn bệnh ngày càng trẻ hóa, với tỷ lệ tử vong cao và ¾ người bệnh bị tàn phế. Đột quỵ não là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Vì thế, nhiều người khá lo lắng, khi choáng váng, nhức đầu, nghi ngờ mắc bệnh đột quỵ. Ths.BS Lê Văn Thủy, Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra những khuyến cáo nhận biết, trường hợp nào chỉ là bệnh đau đầu thông thường, khi nào là chỉ dấu của đột quỵ, cần được cấp cứu ngay lập tức.

Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Nhiều người băn khoăn, thi thoảng đau sau cổ gáy lan lên đầu, không biết đó có phải là triệu chứng sớm cảnh báo bệnh đột quỵ. Trong chương trình truyền hình trực tuyến về một số điều cần lưu ý để bảo vệ bệnh nhân đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua, giải đáp cho thắc mắc của người bệnh, BS Lê Văn Thủy nói về khi nào đau đầu là triệu chứng của đột quỵ não. Một số tình huống, bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não có thể bị đau đầu dữ dội. Những cơn đau này khác hẳn so với đau đầu thông thường, chưa từng gặp phải trước đó. Cơn đau xuất hiện đột ngột theo kiểu có sét đánh trong đầu kéo dài vài phút. Ngoài đau đầu, bệnh nhân còn bị sốt nóng, nhiệt độ trên 37,50C kèm các triệu chứng rối loạn thần kinh như méo miệng, thay đổi giọng nói, khó điều khiển tay chân, mắt nhìn mờ hơn bình thường. Đó là những dấu hiệu nguy cấp, cảnh báo bệnh đột quỵ, bệnh nhân cần được tức tốc đưa vào bệnh viện. Còn những cơn đau đầu thi thoảng mới gặp, vài tháng một lần, kéo dài cả ngày, vài ngày, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì bệnh nhân có thể đến bác sĩ thăm khám định kỳ để tìm nguyên nhân khác.

Các nghiên cứu khoa học từ thực tiễn lâm sàng đã chứng minh, hơn 70% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được. Trước khi xảy ra cơn đột quỵ cấp đe dọa tính mạng, trước đó, hầu hết người bệnh đều trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là đột quỵ nhẹ. Các triệu chứng kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ nhưng hiếm khi kéo dài đến 24 giờ trước khi biến mất. Nguy cơ có cơn đột quỵ xảy ra cao nhất trong vòng 90 ngày sau khi xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua. Nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não do có cục máu đông hoặc tắc nghẽn mạch máu não, tuy nhiên, cơ thể có khả năng làm tan cục máu đông giúp lưu thông mạch máu não. Do đó, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện thời gian ngắn và không để lại di chứng. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ. Vì vậy, bệnh nhân cần được xử trí sớm, điều trị kịp thời, xác định yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng ngăn ngừa đột quỵ.

So với một số dấu hiệu hiếm gặp trên, những dấu hiệu sau đây là điển hình của cơn đột quỵ cấp. Đó là, người đang bình thường bỗng dưng bị méo miệng sang một bên, nửa bên mặt yếu hơn bình thường. Tay yếu, đang cầm đồ vật để rơi xuống đất. Người thân có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên trên, ra trước, quan sát xem tay bên nào bị rơi, dao động, yếu hơn so với tay còn lại. Biểu hiện khác là giọng nói, khó nói, tốc độ giọng nói và âm tiết phát ra không bình thường hoặc lặp đi lặp lại một câu nói.

Một số biểu hiện khác của cả đột quỵ hay tai biến mạch máu não thoáng qua cần cảnh giác, đó là đột ngột thấy chóng mặt dữ dội và ảo giác, mọi thứ quay xung quanh. Người bệnh thấy đầu của mình di động ra trước ra sau, xa hai bên; đột nhiên thấy việc đi lại khó khăn, loạng choạng, mất thăng bằng, khó có thể làm những động tác tinh tế chính xác. Về thị giác, đột ngột một hay hai bên mắt mất thị lực; trong trường nhìn rộng tự nhiên có một vùng bị mờ đi. Đột ngột tê bì nửa bên mặt hoặc nửa bên người. Đột ngột không hiểu người khác nói gì, lặp đi lặp lại một câu nói liên tục, không nhớ các sự việc trước đó. Khi gặp phải những triệu chứng đó, thời gian là tối quan trọng, liên hệ ngay bệnh viện có năng lực xử trí, cấp cứu đột quỵ, để đưa bệnh nhân đến, điều trị kịp thời. Trong lúc đợi cấp cứu, nếu bệnh nhân thay đổi ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, lên cơn động kinh, co giật thì đỡ bệnh nhân nằm nghiêng bên trái, nới rộng quần áo. Không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì, kể cả thuốc huyết áp đặt dưới lưỡi.

Đột quỵ có thể xảy đến với bất kỳ ai, nhưng nhóm có nguy cơ cao khi tuổi trên 55, tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao. Do vậy, trước hết kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và các chỉ số khác của cơ thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm muối và chất béo, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động.

 

Chia sẻ bài viết