08/07/2014 - 20:15

Nhà văn Tô Hoài với gia đình tôi

Dẫu biết rằng sẽ đến ngày bác Tô Hoài phải ra đi, nhưng khi nghe tin, cả gia đình tôi không khỏi nao nao buồn. Bởi lẽ nhà văn đã là người anh, người bạn đáng kính của ba tôi – nhà văn Hoàng Văn Bổn. Ba tôi đã viết “Với nhà văn Tô Hoài” trong truyện ký “Lượm cái hoa rơi” (NXB Tổng hợp Đồng Nai tháng 3-2000). Trong đó, ba tôi trích 7 lá thư của nhà văn Tô Hoài viết về cảm nghĩ của nhà văn sau khi đọc xong sách mà ba tôi gửi tặng. Đáng chú ý nhất là bài “Đọc Hoàng Văn Bổn” được nhà văn Tô Hoài viết sau khi đọc 3 quyển tuyển tập Hoàng Văn Bổn (NXB Đồng Nai, 1997). Tình cảm giữa hai nhà văn bền chặt từ lúc quen nhau năm 1957. Ngày 12-5-2006 thì ba tôi mất, nay đến lượt ông.

Nhà văn Tô Hoài còn là người thầy đáng kính của chồng tôi - nhà văn Mai Bửu Minh (Hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang). Chồng tôi có dịp gặp ông khoảng năm 1993-1995 và được ông chú ý nhờ truyện dài “Một Miền Quê” (NXB Kim Đồng, 2006), được ông cùng nhà văn Bùi Hiển giới thiệu vào Hội Nhà văn. Sau đó, nhà văn Tô Hoài đã viết thư nhận xét tập truyện “Hắn và Tôi” (NXB Thanh Niên, 1997) của Mai Bửu Minh. Thư khen, chê một cách nghiêm túc và giúp Mai Bửu Minh nhận ra những điểm còn hạn chế, những chi tiết có thể phát triển.

 Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: VTCnews

Tôi là giáo viên dạy môn Văn trung học phổ thông từ năm 1985 đến nay. Cuối tháng 6-2003, trong đợt Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Ngữ văn của tỉnh, tôi may mắn được nghe nhà văn Tô Hoài nói chuyện tại trường Đại học An Giang. Ngày hôm ấy, trên bục giảng, nhà văn Tô Hoài khiến chúng tôi nhớ mãi vì sự gần gũi, vui vẻ, cởi mở và hóm hỉnh khi trả lời những câu hỏi của giáo viên.

Trong cuộc gặp gỡ, nhà văn chân thành bộc bạch, cầm bút từ năm 1940, đã có trên 100 tác phẩm, trong đó phân nửa là tác phẩm viết cho thiếu nhi, tiêu biểu là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, nhưng ông tâm đắc nhất là viết về Hà Nội. Ông đã có những cuốn tiểu thuyết viết về Hà Nội như “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm”. Ông cũng rất yêu thích mảng đề tài về miền núi, miền Tây Bắc, vì ông đã sống và hoạt động ở vùng đất này khá lâu, có nhiều tình cảm với các dân tộc thiểu số anh em như dân tộc Mông, Mán… Ông hóm hỉnh: “Tôi sống và am hiểu về họ cho nên khi được bầu làm Đại biểu Quốc hội thì lập tức được phân làm ủy viên phụ trách về dân tộc, mặc dù tôi là người Kinh”, khiến cả hội trường cười vui vẻ.

Rồi ông kể hoàn cảnh sáng tác nên tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, những chi tiết cụ thể trong tác phẩm, khiến hầu hết giáo viên dạy văn có mặt hôm ấy cảm thấy thú vị, tự nhủ nhờ đó mà chúng tôi sẽ giảng cho học trò nghe tác phẩm này hay hơn. Khi chúng tôi hỏi “Có khi nào nhà văn dự giờ một tiết học về tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” hay “Vợ chồng A Phủ” không? Cảm xúc của nhà văn như thế nào?”. Ông trả lời cũng với nụ cười hóm hỉnh: “Tôi cũng có dịp dự giờ và nói chuyện với các cháu thiếu niên nhi đồng, học sinh phổ thông... Khi nghe các thầy cô và các học trò phân tích tác phẩm của tôi, tôi thấy trí tưởng tượng của mọi người phong phú hơn suy nghĩ của tôi”.

Tôi thay mặt gia đình viết bài này như những nén nhang thành kính của gia đình tôi tiễn đưa nhà văn Tô Hoài về cõi vĩnh hằng. Nơi ấy, có lẽ nhà văn sẽ được gặp những người bạn chân tình, trong đó có ba tôi, nhà văn Hoàng Văn Bổn.

HOÀNG MAI QUYÊN
(Giáo viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, An Giang)

Chia sẻ bài viết