25/06/2024 - 20:42

Nhà sáng lập WikiLeaks nhận tội để đổi lấy tự do 

Người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange vừa đạt được thỏa thuận nhận tội để được tự do, qua đó khép lại cuộc chiến pháp lý chống dẫn độ sang Mỹ sau khi ông công bố các tài liệu mật về quân sự.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Ảnh: Reuters

Theo hồ sơ tại tòa án ở Quần đảo Bắc Mariana của Mỹ công bố tối 24-6, ông Assange, 52 tuổi, đã đồng ý nhận tội danh hình sự về việc âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu mật về quốc phòng của Mỹ. Với thỏa thuận này, ông Assange sẽ bị tuyên 62 tháng tù giam trong phiên xử diễn ra trên đảo Saipan vào sáng 26-6. Thời gian 5 năm ông ngồi tù tại Anh được tính vào bản án trên, do đó công dân Úc này dự kiến sẽ được hồi hương sau khi kết thúc phiên xử.

Phiên tòa diễn ra trên đảo Saipan vì ông Assange không muốn đặt chân đến đất Mỹ và tòa án này cũng nằm gần Úc. Ðảo Saipan thuộc Quần đảo Bắc Mariana, vùng thịnh vượng chung của Mỹ nằm ở Tây Thái Bình Dương.

Vào sáng 25-6, trang WikiLeaks thông báo ông Assange đã lên máy bay rời khỏi Anh sau khi ra khỏi nhà tù. Thỏa thuận nhận tội đạt được vài tháng sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang xem xét yêu cầu của Úc về việc từ bỏ nỗ lực truy tố Assange. Chính phủ Úc ngày 25-6 cũng thông báo đã nắm được thông tin liên quan đến thủ tục pháp lý của nhà sáng lập Wikileaks tại Mỹ, đồng thời cho biết nước này đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho ông Assange.

Ông Assange từng được nhiều người trên thế giới ca ngợi như một anh hùng vì phơi bày những hành vi sai trái của quân đội Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Trong số hàng trăm ngàn tài liệu quân sự mật được WikiLeaks công bố năm 2010, có đoạn video về cuộc tấn công bằng trực thăng Apache của lính Mỹ ở thủ đô Baghdad khiến 11 người thiệt mạng năm 2007. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm.

Ông Assange bị truy tố dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến hành động công bố ồ ạt các tài liệu mật của Mỹ. Các công tố viên cáo buộc Assange gây tổn hại an ninh quốc gia bằng cách xuất bản các tài liệu gây bất lợi cho Mỹ và các đồng minh cũng như tiếp tay cho các quốc gia đối thủ.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài 14 năm

Gia đình Assange và những người ủng hộ cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã bị ảnh hưởng trong hơn một thập kỷ đấu tranh pháp lý, trong đó có 7 năm sống trong Ðại sứ quán Ecuador ở Luân Ðôn, Anh.

Cuối năm 2010, Thụy Ðiển phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với Assange liên quan cáo buộc tấn công tình dục mà ông phủ nhận. Assange nói cáo buộc này là cái cớ để dẫn độ ông sang Mỹ xét xử vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội xứ cờ hoa.

Assange bắt đầu “trốn” trong cơ quan ngoại giao trên vào năm 2012 và được cấp phép tị nạn chính trị sau khi tòa án ở Anh ra phán quyết rằng ông phải bị dẫn độ về Thụy Ðiển để điều tra liên quan cáo buộc hiếp dâm. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn với Assange vào năm 2019, ông bị cảnh sát Anh bắt giữ rồi tống giam vì vi phạm các quy định về bảo lãnh.

Mặc dù Thụy Ðiển cuối cùng đã hủy bỏ cuộc điều tra tấn công tình dục, ông Assange vẫn ở trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Luân Ðôn trong nỗ lực chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ.

Mới chỉ hơn 20 tuổi, Julian Assange đã trở thành tin tặc nổi tiếng trong cộng đồng hacker Úc với cái tên Mendax. Tại Tòa án Quận Victoria ở Melbourne năm 1996, Assange từng nhận 24 tội danh về xâm nhập máy tính, nhưng sau đó chỉ bị phạt và được thả vì phạm tội do tò mò hơn là ác ý. Năm 2006, ông đồng sáng lập trang WikiLeaks với mục đích tạo ra một nền tảng cho phép các tài liệu bị rò rỉ được xuất bản trực tuyến một cách an toàn. 10 năm sau, khi Assange đang sống trong Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô Anh, WikiLeaks đã công bố tài liệu bị đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ ở Mỹ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết