15/05/2016 - 20:33

Nhà máy đường muốn cạnh tranh, cần có vùng nguyên liệu ổn định

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ đường cát trong nước có dấu hiệu khả quan. Đây là cơ hội các doanh nghiệp ngành mía đường xây dựng hệ thống kênh phân phối tại thị trường nội địa. Tuy vậy, các nhà máy đường ở ĐBSCL đang giải bài toán khó trước tình hình hạn hán, nhiều vùng mía nguyên liệu bị ảnh hưởng. Trong khi chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh, hội nhập quốc tế mỗi nhà máy cần gấp rút xây dựng vùng nguyên liệu ổn định...

Từ đầu mùa khô năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn sớm và sâu vào đất liền gây thiệt hại nặng đến vùng trồng mía nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Niên vụ mía 2015-2016, thống kê sơ bộ, toàn vùng có khoảng 43.000ha bị ảnh hưởng hạn hán và có khả năng giảm 5-10% diện tích trồng mía. Trong đó, theo ước tính ở Hậu Giang- địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng ĐBSCL, đã có 500ha bị giảm năng suất. Ở Trà Vinh mía bị thiệt hại 1.000ha trong tổng số 4.400ha, mức độ thiệt hại từ 30-50%. Và nếu mùa mưa đến trễ, mặn tiếp tục xâm nhập nội đồng sẽ ảnh hưởng đến vùng trồng mía (lưu gốc) chuyên canh. Ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh  Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề nhất với 2.300ha trong tổng số hơn 6.600ha. Trong đó mức độ thiệt hại từ 30-50% có hơn 1.350ha, thiệt hại 50-70% có 700ha và thiệt hại nặng trên 70% là 312ha. Tính bình quân năng suất mía giảm trên 20%, chữ đường mất hơn 1 CCS. Những tác hại vừa nêu còn kéo dài đến nay.

Thử nghiệm cơ giới hóa trồng mía ở U Minh Thượng.

Hiện nay, ở một số vùng đất mía, sau khi thu hoạch và mía lưu gốc bị thiệt hại vừa qua đã xuống giống vào vụ mới. Dù vậy, hiện có khoảng 1.000ha bị chết dần vì thiếu nước tưới. Trước tình hình này Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), một trong những doanh nghiệp có qui mô sản xuất mía đường mạnh nhất trong vùng đã triển khai chương trình liên kết sản xuất, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa nhà máy và nông dân; đồng thời, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu mía bền vững.

Hằng năm, Casuco cần 1-1,2 triệu tấn mía nguyên liệu, tương ứng 15.000ha đất trồng mía. Những năm qua, Casuco khá bền bỉ xây dựng vùng mía nguyên liệu, cung cấp ổn định cho nhà máy ở Vị Thanh (công suất 3.500 tấn mía/ngày) và ở Phụng Hiệp (công suất 2.000 tấn mía/ngày). Trong đó, tỉnh Hậu Giang có khoảng 9.000ha, Sóc Trăng 3.900ha, Kiên Giang có huyện Gò Quao 1.200ha, U Minh Thượng 3.000ha và Trà Vinh 350ha. Hiện nay, Casuco xây dựng cánh đồng mía lớn 400ha tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) và chuẩn bị kế hoạch cho niên vụ mới xây dựng cánh đồng mía lớn 100ha tại xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Theo đó, Công ty Nông nghiệp thuộc Casuco sẽ đảm nhiệm việc cung cấp vật tư nông nghiệp phân bón, giống mía với giá sỉ, yểm trợ kỹ thuật trồng trọt và thu mua toàn bộ mía để nông dân hạ thấp chi phí sản xuất, tăng năng suất, đạt chữ đường cao, lợi nhuận cao.

Dự kiến, niên vụ mía 2017-2018, Casuco khởi đầu mở rộng liên kết sản xuất 1.000ha, xây dựng lộ trình đến năm 2020 mở rộng 5.000ha và đến 2025 hình thành ổn định 10.000ha. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco cho rằng: Muốn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cần phải nâng cao lợi nhuận cho nông dân trồng mía. Theo đó, phải thay giống mía mới cho năng suất, chữ đường cao và từng bước cơ giới hóa... Do ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn, một số vùng trồng mía khác có thể giảm diện tích. Thế nhưng, thay vào đó có một số địa phương có khả năng mở rộng đất trồng mía. Riêng ở vùng đệm huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có triển vọng mở rộng diện tích trồng mía từ 3.200ha tăng lên 3.600ha. Hơn nữa, đây là nơi có điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa sản xuất đầu tiên ở ĐBSCL do đa số nông dân trồng mía quy mô sản xuất trên 4ha/nông hộ, bề mặt liếp mía rộng 10-12m, dài khoảng 1.000m; không bị ngập, tránh được tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn. Hiện nay, nông dân trồng mía (lưu gốc) chuyên canh nên có thể hạ thấp chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận và có lợi thế phát triển so với cây trồng khác.

Năm 2015, năng suất mía ở U Minh Thượng đạt 75 tấn/ha, toàn bộ sản lượng trên 200.000 tấn mía được Casuco bao tiêu, thu mua. Qua thực hiện mô hình đầu tư giống mía mới, đầu tư phân chuyên dùng cho mía, đầu tư mô hình cơ giới hóa, được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả nông dân trồng mía cho năng suất và chữ đường tăng cao hơn. Theo các cán bộ kỹ thuật về mía đường, ở U Minh Thượng hoàn toàn có khả năng tăng năng suất, sản lượng mía và hiệu quả cao hơn. Nếu bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp để thu hoạch mía vào tháng 10, đến tháng 12 kết thúc trước thời điểm đắp đập nhằm giúp giảm bớt chi phí vận chuyển (khoảng 120 đồng/kg mía); đồng thời, thay giống ROC16 (đã trồng lâu năm tránh được tình trạng thoái hóa giống) bằng giống mía mới như K95-156, KK3, Suphanburi 7… có năng suất, chữ đường cao; Từng bước đưa cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho cây mía.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết