08/10/2023 - 08:25

Ðồng chí Lương Khánh Thiện

Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam 

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903-13/10/2023), nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Khu B, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Báo Cần Thơ xin giới thiệu bài viết khái lược tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến của đồng chí đối với Ðảng và dân tộc Việt Nam.

Người dân xem trưng bày về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện. Ảnh: Báo Nhân Dân

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước ở làng Mễ Tràng, nay thuộc phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Từ 1923-1925, đồng chí Lương Khánh Thiện rời quê ra TP Hải Phòng, vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, sớm hòa nhập và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, như tham gia vận động học sinh bãi khóa, đòi nhà cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu Trinh…

Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Ðịnh làm ở Nhà máy Sợi, 1 năm sau thì được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Ðịnh. Năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng và thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong phong trào công nhân và đến tháng 4-1929 thì được kết nạp vào Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17-6-1929, Ðông Dương Cộng sản Ðảng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Ðảng. Giữa năm 1929, đồng chí bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng, bị chính quyền thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó lưu đày Côn Ðảo. Tháng 9-1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 3-1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9-1937), kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938). Ngày 29-12-1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1-1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9-1939. Sau đó, đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Ðảng ở tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10-1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Ðảng bộ Hải Phòng. Tháng 1-1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2-9-1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.

Hy sinh khi mới vừa 38 tuổi, gần 18 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lương Khánh Thiện nổi bật với tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.

Thời điểm làm thợ cơ khí tại nhà máy Sợi (Nam Ðịnh), chứng kiến cuộc sống của công nhân, người lao động bị giới chủ vắt kiệt sức, cơm không đủ ăn, ốm đau, bệnh tật không có thuốc thang, đồng chí đã vận động công nhân thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu… để đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi quyền lợi và giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn về đời sống. Ðồng chí luôn đi sát với công nhân, tuyên truyền giáo dục để họ nhận thức nguồn gốc sự áp bức, bóc lột dã man. 

Trong thời gian bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn là người đi đầu đấu tranh dũng cảm, kiên quyết; vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, xây dựng một số tổ chức quần chúng như Lao tù Hội, Hội đồng Thập tự, Ban trật tự… để tập hợp quần chúng, tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Trước tinh thần đoàn kết và đấu tranh có tổ chức, nền nếp của các chiến sĩ cộng sản, phía địch phải dần nhượng bộ. Tháng 7-1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Ðảo, bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh… Ðồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Trở về Hà Nội từ “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, từ cuối năm 1936-1937, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng tập thể Xứ ủy lâm thời và Thành ủy Hà Nội đã tích cực lãnh đạo các phong trào dân chủ, dân sinh. Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Hà Nội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhằm mục tiêu đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi lập nghiệp đoàn… Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân ở các địa phương khác ở Bắc Kỳ cũng nổ ra mạnh mẽ.

Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Lương Khánh Thiện là hiện thân tiêu biểu của tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp của Ðảng và hạnh phúc của nhân dân.

Ðồng chí Lương Khánh Thiện là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Ðảng, trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1941, thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Ðảng và cách mạng Việt Nam. Từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí Lương Khánh Thiện hoạt động không mệt mỏi xây dựng các căn cứ, khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong cấp ủy các cấp từ chi bộ cơ sở, đảng bộ các thành phố lớn, đảng bộ liên tỉnh, lãnh đạo xứ ủy, thành ủy, khu ủy.  Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bí thư Khu B và Bí thư Thành ủy Hải Phòng, dù cương vị nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Ðảng và nhân dân.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện là dịp tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.

 PV

 

Chia sẻ bài viết