Một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ được tổ chức vào giữa tuần này nhằm tìm giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ lan rộng sang Ý và Tây Ban Nha, đồng thời thảo luận gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.
Trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou trong bài trả lời phỏng vấn báo chí vào hôm qua đã loại trừ khả năng nước này sẽ vỡ nợ. Theo ông, trong một năm rưỡi qua Athens đã có những quyết định cần thiết, dù rất khó khăn, để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu khác nên “tỉnh giấc” và có bước đi tương tự.
Tuy ông Papandreou nói vậy nhưng thực tế nguy cơ vỡ nợ vẫn lơ lửng trên đầu Hy Lạp. Gói cứu trợ 110 tỉ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ 370 tỉ euro (tương đương 160% GDP) của nước này. Tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp năm nay theo dự báo là âm 4%, sau khi đã sụt giảm 4,5% hồi năm ngoái. Thế nên EU và IMF đang xem xét khả năng cung cấp cho nước này gói cứu trợ thứ hai với qui mô có thể còn lớn hơn lần trước. Cần nhắc lại rằng hai thành viên khác của Eurozone là Ireland và Bồ Đào Nha cũng đã lần lượt ngửa tay nhận 85 tỉ euro và 78 tỉ euro từ EU-IMF để tránh bị phá sản.
Trong khi đó, Ý đang có nguy cơ gia nhập nhóm các quốc gia kể trên. Hiện nợ công của nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone tương đương 120% GDP. Quốc hội Ý cuối tuần rồi đã phê chuẩn dự luật “thắt lưng buộc bụng” trị giá 48 tỉ euro. Vài ngày trước đó, các nghị sĩ Tây Ban Nha cũng đã thông qua kế hoạch cắt giảm 3,8% chi tiêu trong ngân sách năm 2012. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Elena Salgado, mức cắt giảm có thể phải lớn hơn mới mong thoát khỏi tình trạng thu không đủ chi. Hiện nợ công của nền kinh tế đứng hàng thứ 12 thế giới là gần 70% GDP, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 21%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Nhà Trắng và quốc hội Mỹ đang tranh cãi xung quanh việc điều chỉnh hạn mức nợ công. Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ nếu hạn mức 14.300 tỉ USD (xấp xỉ bằng GDP) không được nâng lên trước ngày 2-8. Nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 5 và từ đó đến nay, Bộ Tài chính phải dùng những biện pháp đặc biệt để giúp chính phủ có tiền duy trì hoạt động.
Nhưng xét về mức độ nợ nần thì Nhật Bản không có đối thủ với tỷ lệ nợ công/GDP là 226%. Sở dĩ chuyện của nhà giàu-chúa chổm này chưa ầm ĩ lắm là do đa phần là vay mượn của người dân trong nước nên không phải lo lắng việc các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu chính phủ.
LÊ DÂN