02/12/2018 - 17:41

Nhà dưỡng lão - thị trường tiềm năng tại Trung Quốc 

Trong bối cảnh các gia đình Trung Quốc thay đổi suy nghĩ truyền thống đối với nghĩa vụ chăm sóc người cao tuổi, các doanh nghiệp bất động sản tại đây bắt đầu thử nghiệm kinh doanh nhà ở phục vụ người già.

Người cao tuổi tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Chiết Giang trò chuyện với robot A-Tie. Ảnh: China Daily

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Longfor Group Holdings là nhà phát triển bất động sản mới nhất nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nhà dưỡng lão phục vụ nhóm dân số lớn tuổi đang gia tăng. Song cũng như những nhà phát triển bất động sản khác, tập đoàn này đang hành động thận trọng bởi tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ già đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Tuy vậy, SCMP nhận định quan niệm “nuôi con để cậy nhờ tuổi xế chiều” có thể dần được thay đổi. Nhiều phụ huynh hiện ngoài tuổi tứ tuần và chỉ có một con cho biết họ có thể chọn sống tại nhà dưỡng lão. Bởi việc sống trong một cộng đồng về hưu giúp họ vừa có người bầu bạn và niềm vui, trong khi vừa giảm gánh nặng cho con cái.

Trước Longfor Group Holdings, China Vanke - nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc - đã bắt đầu thăm dò mảng kinh doanh chăm sóc người cao tuổi vào năm 2009. Tập đoàn bất động sản quốc phòng Poly Group, hãng đóng tàu nhà nước Sino-Ocean và công ty Greentown cũng đang thử kinh doanh nhà ở cho người cao tuổi.

Yan Yuejin, chuyên gia phân tích tại Viện E-House China, cho biết: “Có rất nhiều cơ hội, nhưng hiện tại chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhà phát triển đang ở giai đoạn thăm dò”. Theo Yan, nhà dưỡng lão phức tạp hơn nhà ở truyền thống vì người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc y tế nhiều hơn. Chi phí cho tất cả các nhu cầu đặc biệt có thể cao, điều lý giải tại sao các nhà phát triển đang tìm kiếm những cư dân tiềm năng, vốn bảo đảm về mặt tài chính.

Đến cuối năm 2017, Trung Quốc có 241 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm 17% dân số. Trong số đó có 158 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Với đà tăng thêm khoảng 10 triệu người cao tuổi/năm, nhóm công dân từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 14% dân số Trung Quốc vào năm 2020. Theo một dự báo từ Tổ chức Y tế Thế giới, số lượng người cao tuổi nước này sẽ tăng lên tới 487 triệu vào năm 2050, chiếm 35% dân số quốc gia.

Đối với bất kỳ quốc gia nào khác, những con số như thế có thể gióng lên hồi chuông báo động, điển hình như tác động bất lợi mà một xã hội đang lão hóa gây ra đối với kinh tế Nhật Bản trong những năm gần đây. Nhưng ở Trung Quốc, tình trạng dân số già hóa mang lại một nguồn thu lớn. Theo một báo cáo từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chăm sóc người cao tuổi là ngành công nghiệp “mới nổi”, với doanh thu hàng năm có thể tăng từ mức hiện tại là 5,9 tỉ NDT lên 13 nghìn tỉ NDT (1,87 nghìn tỉ USD) vào năm 2030.

NGUYỆT CÁT (Theo China Daily)

Chia sẻ bài viết