Hãng tin Mỹ AP dẫn lời giới chức nước này hôm 3-12 cho biết, Nhà Trắng cùng các nước đồng minh đang tính đến những giải pháp quân sự nhằm ngăn ngừa nguy cơ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad "liều lĩnh dùng tới kho vũ khí hóa học và sinh học" trong cuộc nội chiến tại Syrie.
 |
Tổng thống Obama đang nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syrie. Ảnh: usatoday |
Theo tiết lộ của các quan chức về hưu và đương nhiệm của Mỹ, một số phương án được tính đến hiện nay là các vụ oanh tạc bằng máy bay cho đến những cuộc đột kích có giới hạn.
Những cảnh báo đối với Syrie xảy đến sau khi tình báo Mỹ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy chính quyền Damas đang di chuyển các thành phần vũ khí hóa học xung quanh nhiều địa điểm chứa vũ khí hóa học tại Syrie trong những ngày gần đây, một quan chức cấp cao thuộc bộ quốc phòng và hai quan chức khác của Mỹ cho biết hôm 3-12.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả các hoạt động tại kho vũ khí ở Syrie "là dấu hiệu của sự chuẩn bị" cho việc chính quyền al-Assad có thể sử dụng kho vũ khí hóa học tại đây. Theo AP, mặc dù Mỹ vẫn chưa biết Tổng thống al-Assad có sử dụng số vũ khí trên hay không, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng mối lo ngại trên ngày càng lớn bởi tình cảnh hiện nay cho thấy "chính quyền Damas đang chịu sức ép ngày càng nặng nề".
Phản ứng trước những thông tin trên, Bộ Ngoại giao Syrie khẳng định Damas "sẽ không sử dụng vũ khí hóa học (nếu có) để chống lại người dân Syrie dưới mọi hoàn cảnh nào".
Mặc dù vậy, những cam kết từ chính quyền Damas dường như vẫn không đủ để trấn an Nhà Trắng. Trong một bài phát biểu tại Đại học Quốc phòng Mỹ hôm 3-12, Tổng thống Barack Obama đã phát đi một cảnh báo nghiêm túc đối với Tổng thống al-Assad, khi nói: "Tôi muốn nhấn mạnh với ông al-Assad và những người dưới quyền ông rằng thế giới đang theo dõi rất sát sao. Việc sử dụng vũ khí hóa học là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Và nếu ông sai lầm sử dụng chúng, hậu quả sẽ do các ông gánh chịu".
Tổng thống Obama không nói rõ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nhưng trong một phát biểu trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết "kế hoạch đối phó" là điều cần thực hiện, khi được hỏi việc sử dụng sức mạnh quân sự có được xem là một giải pháp đối với số vũ khí hóa học của Syrie.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi đang có mặt tại Thủ đô Praha (CH Czech) cũng lên tiếng: "Chúng tôi chắc chắn sẽ lên kế hoạch hành động nếu cuối cùng việc sử dụng vũ khí hóa học vẫn xảy ra".
Theo AP, Syrie có khoảng 75 địa điểm chứa vũ khí, nhưng giới chức Mỹ không chắc họ đã giám sát kỹ lưỡng các vị trí trên, cũng như lo sợ một vài kho vũ khí đã được di chuyển. Theo các chuyên gia quân sự, Syrie sở hữu hàng trăm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hóa học, cùng với đó là hàng tấn vật liệu được cất giữ trong các thùng lớn, hay các quả pháo cối có thể "tấn công chết người".
Kho vũ khí hóa học của Syrie cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ. Jordanie có chung nỗi lo như Mỹ về khả năng kho vũ khí hóa học tại Syrie có thể rơi vào tay các phần tử xấu nếu chính quyền Damas sụp đổ hoặc mất kiểm soát. Giới chức Israel thì lo sợ vũ khí hóa học tại Syrie có thể lọt tay tổ chức Hồi giáo Hezbollah hay các nhóm vũ trang khác chống Israel, thậm chí có thể là "hành động tấn công liều lĩnh từ Syrie nhằm vào Nhà nước Do Thái".
Được biết, lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordanie đang được tăng cường và sẵn sàng đối phó trong trường hợp Tổng thống al-Assad ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống lại các tay súng nổi dậy tại đây.
THANH BÌNH (Theo AP, Debkafile)
Tình hình Syrie ngày càng nguy cấp
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky ngày 3-12 thông báo LHQ tạm ngừng các hoạt động tại Syrie và bắt đầu rút các nhân viên khỏi nước này vì lo ngại tình trạng an ninh ngày càng xấu đi.
Cùng ngày, phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết văn phòng của EU tại Damas sẽ giảm hoạt động xuống mức tối thiểu do lo ngại an ninh. Văn phòng này đã hoạt động từ khi cuộc khủng hoảng Syrie bùng phát.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đồng thời là Đặc phái viên Điện Kremlin về Trung Đông, ông Mikhail Bogdanov cho biết các nhà ngoại giao Nga đã liên lạc với công dân nước này tại Syrie và sẵn sàng hỗ trợ họ sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. |