07/03/2011 - 08:45

Nguy cơ vũ khí bị cướp ở Libye rơi vào tay khủng bố

Một phần tử nổi loạn ở Libye đang vác vũ khí cướp từ kho của quân đội. Ảnh: AFP

Có một thực tế rõ ràng là lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Libye đã và đang tự vũ trang bằng chính súng đạn mà họ cướp được từ quân đội. Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia an ninh quốc tế, là những vũ khí bị đánh cắp này có thể đến tay các tổ chức khủng bố trên khắp thế giới. Đó là một hệ lụy khôn lường của cuộc xung đột hiện nay tại Libye.

Theo Thời báo New York của Mỹ, những hình ảnh từ cuộc xung đột tại Libye cho thấy thường dân nổi loạn ở quốc gia Bắc Phi này mang không thiếu vũ khí từng nằm trong kho của quân đội – từ những loại nhẹ, bền, dễ sử dụng như súng trường, súng máy, súng phóng lựu cho đến mìn, lựu đạn, tên lửa vác vai SA-7, tên lửa chống tăng... Nó cũng minh chứng rằng bất chấp lệnh cấm vận vũ khí quốc tế, trong những thập niên qua, chính quyền của Tổng thống Gadhafi vẫn trang bị đầy đủ cho kho vũ khí của mình. Quá khứ xung đột trước đây tại Uganda (năm 1979), Albanie (1997) hay Iraq (2003) đã cho thấy một khi vũ khí lọt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, chúng có thể nhanh chóng và lặng lẽ xuất hiện ở thị trường chợ đen rồi lọt vào tay lực lượng nổi dậy ở các quốc gia đang xảy ra xung đột khiến cho tình hình ở những nơi đó trở nên trầm trọng và dai dẳng.

Chuyên gia Peter Danssaert thuộc Cục Thông tin Hòa bình quốc tế tại Bỉ, cho rằng vũ khí của quân đội Libye hiện đã rơi vào tay lực lượng nổi dậy, và cho dù phe của ông Gadhafi có chiến thắng cũng khó thu hồi lại được phần đã mất. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Mic Marsh làm việc cho Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo ở Na Uy, những vũ khí bị cướp ở Libye có thể tỏa ra theo nhiều hướng, đến Chad, Sudan, Algérie hay các tay súng ở Palestine.

Trong khi đó, Matthew Schroeder, giám đốc Dự án giám sát mua bán vũ khí thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington, đặc biệt quan ngại tên lửa tầm nhiệt Manpad, cụ thể là SA-7. “Hiểm họa Manpad rơi vào tay bọn khủng bố và các lực lượng nổi dậy bên ngoài Libye là có thật”, Schroeder cảnh báo. Theo ông, giới tình báo Mỹ và các nước nên đặt mục tiêu kiểm soát những tên lửa này là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Cùng quan điểm này, các nhà phân tích châu Âu cho rằng vấn đề đáng lo là Manpad có thể dễ dàng được thu gom ở chợ đen với giá chỉ vài ngàn USD và chuyển giao cho bên thứ 3. Bọn khủng bố có thể sử dụng loại tên lửa này để chống phá máy bay dân dụng (như bọn chúng từng làm trước đây).

Tên lửa Manpad, dễ dàng mang và bắn chỉ bởi một người, khi được bắn từ bệ phóng đặt trên vai sẽ di chuyển với vận tốc siêu âm để tìm nguồn nhiệt phát ra từ động cơ máy bay và phát nổ gây sát thương lớn. Nhiều loại máy bay quân sự hiện đại có khả năng vô hiệu hóa Manpad, nhưng rất ít máy bay dân dụng được trang bị tính năng này. Có thể điểm qua một số vụ tấn công khủng bố máy bay kinh hoàng do SA-7 gây ra. Năm 1979, một máy bay của hãng Air Rhodesia (châu Phi) bị SA-7 bắn hạ, làm chết tất cả 59 người. Nhóm phiến quân UNITA ở Angola từng nhận trách nhiệm vụ tấn công máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Angola năm 1983 làm thiệt mạng 130 người. Năm 1986, 60 người thiệt mạng khi lực lượng Quân đội giải phóng Nhân dân Sudan sử dụng SA-7 phá hủy máy bay chở khách của hãng Sudan Airways. Năm 1994, chiếc chuyên cơ chở tổng thống Burundi và Rwanda bị một tên lửa Manpad tấn công, khiến cả hai tử nạn và châm ngòi cho nạn diệt chủng ở Rwanda sau đó.

VIỆT QUỐC
(Theo CBC News, NY Times, The Times)

Chia sẻ bài viết