31/03/2010 - 08:43

Nguy cơ bùng phát xung đột sắc tộc ở Iraq

Hiện trường vụ đánh bom ở trung tâm thành phố Karbala ngày 29-3. Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters (Anh) ngày 30-3, 6 ứng viên giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Iraq hôm 7-3 có thể không nhận được ghế ở Quốc hội vì bị cáo buộc có quan hệ với đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein. Ali al-Lami, đại diện Ủy ban Công lý và Trách nhiệm (IJAC) - cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn các cựu thành viên đảng Baath trở lại chính trường, cho biết ủy ban này sẽ đưa vấn đề trên lên tòa án.

Nếu tòa án ủng hộ IJAC, kết quả bầu cử có thể bị thay đổi, vì Liên minh Nhà nước pháp quyền của đương kim Thủ tướng Nouri al-Maliki giành được 89 ghế ở Quốc hội 325 ghế, chỉ thua 2 ghế trước Liên minh người Iraq của cựu Thủ tướng Iyad Allawi. Ông Lami không cho biết tên 6 ứng viên và họ thuộc về liên minh nào, nhưng một nguồn tin thân cận với IJAC cho biết ít nhất hai người là thành viên của Liên minh người Iraq. Nếu vậy, ông Allawi sẽ rất khó thành lập khối lớn nhất trong quốc hội, điều kiện cần thiết để thành lập chính phủ. Trong khi đó, Thủ tướng Maliki đã giành được lợi thế khi được Tòa án Tối cao ủng hộ với phán quyết rằng bất kì lãnh đạo đảng nào có thể tạo được liên minh đủ đa số ghế ở Quốc hội thì có thể được chọn để thành lập chính phủ mới, chứ không nhất thiết là liên minh giành được nhiều ghế nhất trong bầu cử.

Hiện Liên minh Nhà nước pháp quyền của ông Maliki đã nhất trí đàm phán thành lập chính phủ với khối về thứ ba và tư là Liên minh Dân tộc Iraq (INA) và Liên minh yêu nước Kurdistan (PUK). Nếu thành công với kế hoạch này, ông Maliki có thể tước quyền ưu tiên thành lập nội các của ông Allawi.

Nếu điều đó xảy ra có thể kích động người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số ở Iraq, vì đa phần họ ủng hộ các ứng viên Liên minh người Iraq của ông Allawi. Người Sunni cho rằng IJAC đang tìm cách cướp thắng lợi của họ và thay đổi kết quả bầu cử để người Shiite tiếp tục lãnh đạo đất nước. Vài tuần trước bầu cử, IJAC cũng từng cấm hơn 500 ứng viên. Dù số ứng viên bị cấm có cả người Hồi giáo Shiite, nhưng người Sunni cho rằng lệnh cấm là nhằm vào họ, ngăn cản họ lấy lại “tiếng nói chính trị” mà họ đã mất kể từ khi ông Hussein bị lật đổ năm 2003 (người Sunni được ưu ái gần 2 thập niên dưới thời Hussein).

Những diễn biến trên làm gia tăng lo ngại rằng Iraq có thể rơi vào xung đột sắc tộc khi cuộc đua thành lập chính phủ mới dự báo sẽ kéo dài tới mùa hè và Mỹ chuẩn bị rút quân đội chiến đấu vào tháng 8 tới. Thực tế là ngày 29-3, 2 vụ đánh bom đã xảy ra ở thành phố linh thiêng Karbala của người Hồi giáo dòng Shiite, làm 5 người chết và 64 người bị thương.

N. KIỆT (Theo Reuters, AFP, NYT)

Chia sẻ bài viết