19/07/2019 - 09:12

Người Việt đã tin dùng hàng Việt 

Qua 10 năm (2009-2019) thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ khẳng định vai trò nòng cốt, trung tâm trong việc vận động toàn dân hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động. Hàng Việt ngày càng nhận được sự đón nhận, ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng thành phố, nhận thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực; nhìn nhận đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt.

Người tiêu dùng ngày càng tin và dùng hàng Việt.

Hiệu quả tích cực

10 năm qua, TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và mở rộng sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thường trực UBND thành phố thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp, thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển, nâng cao, chất lượng hàng tiêu dùng đáp ứng thị trường nội địa. Các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đều thực hiện ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm công. Nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng để thực hiện các dự án, công trình đầu tư, xây dựng...

Điểm nổi bật là trong công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan, đơn vị, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và các địa phương trên địa bàn thành phố đều nghiên cứu, tìm ra giải pháp kịp thời, phù hợp, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động căn cứ chức năng, nhiệm vụ đề ra nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả, từ đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động. Góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt, phát huy trí tuệ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện Chương trình “Tuần khuyến mại” Cần Thơ hằng năm. Tổng giá trị hàng dịch vụ thực hiện khuyến mãi hằng năm hơn 1.290 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thành phố duy trì đều đặn thực hiện Chương trình bình ổn thị trường nhân dịp Tết Nguyên đán. Vốn đăng ký dự trữ hàng hóa 10 năm đạt 1.495,01 tỉ đồng, giá bán bình ổn thấp hơn thị trường từ 5% trở lên, góp phần không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá tăng đột biến. Từ năm 2009 đến 2012, ngân sách thành phố hỗ trợ vốn không lãi suất cho doanh nghiệp vay dự trữ hàng hóa là 135 tỉ đồng. Cuộc vận động còn triển khai bằng nhiều hình thức như: Tổ chức lễ phát động, tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề. Tổ chức ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giữa TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm ổn định thị trường, giá cả...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc thực hiện Cuộc vận động vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Công tác tuyên truyền Cuộc vận động chưa thường xuyên nên sức thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động chưa thật sự mạnh mẽ. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động chưa tạo động lực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia, nhất là đưa hàng Việt về vùng nông thôn trên địa bàn thành phố chưa nhiều. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn xảy ra.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến Cuộc vận động đạt 89%. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động tỷ lệ ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm hàng Việt đạt 72,9%. Cán bộ đảng viên thường xuyên vận động khuyên người thân trong gia đình, bạn bè mua hàng Việt Nam đạt 51%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt Nam đạt 71,3%. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2018 là 103.500 tỉ đồng, bình quân đầu người là 80,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,93 lần so với năm 2009. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 trên 11.000 tỉ đồng, gấp 2,27 lần so với năm 2009.

Thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và hộ dân còn có tâm lý sính hàng ngoại, nhất là trong lớp người trẻ tuổi. Việc rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, pháp luật để phù hợp với yêu cầu Cuộc vận động còn chậm. Tuy kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chưa thật bền vững, chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế của thành phố. Môi trường, cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư. Công nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng, năng lực cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài cũng như thách thức từ việc cắt giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Phát huy kết quả đạt được, rút kinh nghiệm sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ đã đề ra nhiều hoạt động trọng tâm. Đó là, cải tiến và nâng cao phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong thành phố theo hướng chủ động, tập trung. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện lâu dài, bền bỉ, sâu rộng trong nhân dân, tạo được sự đồng bộ trong lĩnh vực truyền thông, nhằm tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai thực hiện Đề án về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát huy các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của thành phố.

Tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực công nghệ cao, thực hiện tốt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Về phía các doanh nghiệp Việt ở Cần Thơ, cũng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh về giá, mẫu mã của hàng hóa. Tăng cường quảng cáo thương hiệu, sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, trước tiên là cơ quan Đảng, Nhà nước, cần gương mẫu trong mua sắm, đầu tư công. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận trong thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Kh.Nam

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hàng Việt