22/01/2010 - 20:21

Người nuôi cá tra cần được chia sẻ

Từ đầu tháng 1-2010, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu tìm mua nguyên liệu, nhưng nông dân nuôi cá chần chừ chưa bán và chờ giá cá tăng thêm. Đó là những hộ nuôi cá còn đủ khả năng tài chính, còn đa phần những hộ nuôi cá tra qui mô nhỏ gần như bỏ ao, chuyển sang nuôi cá gia công cho doanh nghiệp (DN). Theo phản ánh của nhiều DN chế biến cá tra tại ĐBSCL, nguồn nguyên liệu cá hiện đang thiếu hụt, một số nhà máy hoạt động cầm chừng do diện tích nuôi cá sụt giảm, nhiều người nuôi cá bị thua lỗ từ cuối năm 2008 đến nay không có khả năng trả nợ. ...

NUÔI CÁ LÂM NỢ!

Những ngày đầu năm 2010, giá cá tra nguyên liệu có lúc được các nhà máy chào mua với mức 16.800- 17.000 đồng/kg, do nguồn cá thiếu hụt. Trong khi đó, người dân cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) hiện đang “buôn” nhau chuyện tỉ phú cá tra đất cù lao rao bán xe ô tô xịn, tài sản để trả nợ! Bởi họ đang đối mặt với các khoản nợ khổng lồ cũng từ con cá, thua lỗ từ vụ nuôi 2007-2008 kéo dài đến nay, giá cá trồi sụt thất thường, trong khi chi phí thức ăn ngày một tăng.

Ao cá của ông Hiền giờ thành vườn mận. 

Nuôi cá gần 10 năm, bây giờ ông Huỳnh Thanh Hiền, khu vực Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt ngậm ngùi lên liếp trồng mận, rau màu... từ ao nuôi cá tra trước đây. Ông Hiền cho biết: “Đây là ao nuôi cá tra tôi vừa cải tạo lại trồng mận từ tháng 5-2009. Trồng lúa, làm vườn coi ra chắc bền hơn nuôi cá! Giờ đây nợ ngân hàng đã đến kỳ phải trả, nhưng chưa biết đào đâu ra khoản tiền lớn. Ngân hàng khoanh nợ trong vài năm thì may ra”. Năm 2000, ông Hiền cùng nhiều người dân nơi đây đổ xô đào đất lúa làm ao nuôi cá. Trúng mùa cá, ông cất nhà gần nửa tỉ đồng và mua thêm đất đào ao nuôi cá. Nhưng giữa năm 2009, ông phải “cấn” ao nuôi rộng khoảng 3.000m2 để trừ nợ thức ăn nuôi cá. Cũng từ con cá tra, giờ đây, ông Hiện nợ ngân hàng 1 tỉ đồng; đó là chưa kể nợ vay bên ngoài 700-800 triệu đồng.

Còn ông Lại Văn No, khu vực Trường Thọ, phường Tân Lộc dù đã bán 3 công đất để trả nợ nuôi cá tra, nhưng ông vẫn còn nợ 1,3 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hữu Truyển, mất trắng gần 1,4 tỉ đồng vốn sẵn có của gia đình mà vẫn còn nợ ngân hàng và bên ngoài khoảng 3,5 tỉ đồng. Ông Truyển cho biết: “Tháng 8-2007, tôi bán 160 tấn cá giá 14.000 đồng/kg, lỗ 368 triệu đồng. Năm 2008, bán 3 đợt cá tra với tổng cộng 1.090 tấn, lỗ hơn 3,2 tỉ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng, thiết bị gần 5 tỉ đồng giờ phải bỏ không”. Vùng đất cù lao Tân Lộc vốn là cù lao tỉ phú từ nuôi cá, nhưng giờ đây những hộ nuôi cá tỉ phú trở thành con nợ bạc tỉ! Mất trắng tài sản. Những cái ao rộng hàng ngàn mét vuông để mặc cỏ, rau muống bò.

Tháng 8-2009, 34 hộ dân nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc cùng đứng đơn tập thể để kiến nghị xin UBND TP Cần Thơ quan tâm giúp đỡ “khoanh nợ” ngân hàng. UBND thành phố đã giao cho Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp cùng các ngành chức năng, ngân hàng và địa phương vùng nuôi cá vào cuộc xem xét tình hình cụ thể. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phát phiếu điều tra thăm dò tình trạng sản xuất, khả năng tài chính của 34 hộ nuôi cá theo đơn gửi thành phố, nhưng chỉ có 18 hộ phản hồi. Ngày 15-12-2009, các sở, ngành chức năng, ngân hàng đã nhóm họp để phân tích tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ của từng khách hàng vay vốn, cuộc họp xác định trong 34 hộ làm đơn chỉ có 5 hộ thực sự khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương từ 18 hộ nuôi cá tự khai với ngành chức năng về tình trạng sản xuất, nợ ngân hàng... riêng nợ ngân hàng đã khoảng 13 tỉ đồng.

NGƯỜI NUÔI CÁ VẪN HY VỌNG, NHƯNG...

Giá cá tăng, nhưng trên thực tế, theo phản ánh của người nuôi cá, DN thu mua không nhiều mà phần lớn DN đã tự chủ nguồn nguyên liệu, hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Còn theo một số DN chế biến cá tra tại Cần Thơ, hiện tại, nhà máy hoạt động dưới công suất chế biến thực, bởi thị trường cũng chưa nhiều và phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật ở nước nhập khẩu. Nhiều DN hoạt động cầm chừng để bảo toàn lực lượng lao động chờ qua cơn khó, làm gia công cho nhà máy lớn, hay kinh doanh thêm một số ngành nghề khác...

Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ cá tra, thương lái, DN đến cù lao Tân Lộc săn lùng mua cá với giá cao, nhưng không khí ở đây khá yên ắng. Ông Út Phương đang có lứa cá chuẩn bị thu hoạch, cho biết: “Tôi còn nuôi là vì còn hy vọng vớt vác để cứu lại hai năm thua lỗ vừa rồi. Tất cả là vốn nhà chứ giờ không có ngân hàng nào dám phát vay cho dân nuôi cá. Hổm rày, nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng tôi chưa đồng ý bán với người nào. Qua Tết mới đến vụ thu hoạch, mong rằng giá sẽ lên nữa”. Hai năm qua, ông đã thua lỗ khoảng 10 tỉ đồng do giá cá xuống thấp và hiện đang nợ 4-5 tỉ đồng. Nhưng ông cố gắng xoay trở duy trì 6 ha nuôi cá tra, vụ cá này, ông đã đầu tư khoảng 6 tỉ đồng và hiện tại ông còn tốn thêm 30 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Theo ông Phương, còn nuôi cá là còn hy vọng, chứ chưa biết phải chuyển đổi ngành nghề nào. Mong DN tìm được thị trường và cùng chia sẻ lợi nhuận với người nuôi chứ không thì đất cù lao này chẳng còn người nuôi cá nữa! Cùng trong tâm trạng của ông Phương, ông Tư Liêu, nói: “Những lúc tiêu thụ khó khăn, DN chiếm dụng vốn của người nuôi nhiều quá, người nuôi gặp khó. Có khi bán cá 6-7 tháng vẫn chưa nhận được tiền; có trường hợp bán tiền tỉ nhưng phải chịu trả nhỏ giọt vài chục triệu đồng/lần. Lãi suất ngân hàng cứ phải trả đều đều. Kẹt vốn, dân phải vay “nóng” để đầu tư vào vụ kế tiếp. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất. Ai có vốn nhà thì còn hy vọng gỡ gạc mấy vụ sau; đa số đều treo ao phá sản”. Nếu như vào vụ thu hoạch, đất cù lao cung cấp khoảng 1.000 tấn cùng một lúc thì nay gom đỏ mắt vẫn không có được 100 tấn.

Giá nguyên liệu cá tra hiện khoảng 16.000- 16.800 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn chưa vui. Theo tính toán của người nuôi, giá thức ăn tăng cao, nên giá thành nuôi hiện đã là 14.500-15.000 đồng/kg. Đó là chưa kể chi phí nhân công, lãi suất vốn vay... Nếu bán với giá 16.500 đồng/kg, so với chi phí thức ăn 15.000 đồng/kg, nông dân chỉ lãi 10%, thời gian nuôi kéo dài trong vòng 8 tháng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng hiện đã hơn trên 1%/tháng. Theo tính toán của ông Út Phương, nếu sau khi trừ tất cả chi phí, lãi suất ngân hàng, nông dân vẫn còn lời 1.000-1.500 đồng/kg cá thì may ra, dân còn mặn mà với con cá, chứ tình trạng này kéo dài thời gian nữa, không ai dám đầu tư cho con cá nữa.

Theo kiến nghị của người dân nuôi cá tại cù lao Tân Lộc về việc giải quyết vấn đề nợ ngân hàng, giải pháp tốt nhất là khoanh nợ cho dân để họ có điều kiện canh tác, hoàn vốn lại cho ngân hàng. Chứ căn theo luật, ngân hàng xiết nợ, nhiều người không còn khả năng để trả. Ông Tư Liêu cho rằng, lúc người nuôi gặp thuận lợi, thị trường ổn định, giá cá cao, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ vốn cho dân vay. Vì vậy, khi dân gặp khó khăn, ngân hàng cũng cần phải chia sẻ...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết