31/01/2013 - 09:10

ĐỌC “GIỌT NƯỚC GIỮA BIỂN KHƠI”

Người “mài ngọc” cho thể thao

 

“Giọt nước giữa biển khơi” kể lại cuộc đời của một người bình thường nhưng đã làm nên kỳ tích: mài dũa những viên ngọc thô thành những hạt ngọc cho đời, tạo nên những tài năng cho nền thể thao Việt Nam.
Truyện dài của tác giả Việt Tú Kỳ Phong, NXB Thời đại xuất bản năm 2012.

“Giọt nước giữa biển khơi” đặt trong bối cảnh từ năm 1930 đến nay, gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước: thời kỳ thuộc địa của Pháp, Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, thống nhất đất nước, thời kỳ bao cấp, kinh tế thị trường… Mỗi một dấu mốc lịch sử có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của nhân vật chính: thầy giáo-  kỳ thủ Phạm Văn Tuyển ở Quảng Ninh, người đoạt chức vô địch giải cờ tướng miền Bắc năm 1969.

Dù trải qua bao khó khăn của cuộc sống đời thường, Phạm Văn Tuyển vẫn giữ vững niềm đam mê thể thao và rèn luyện các con mình tham gia các môn: cờ tướng, cờ vua, bóng bàn, cầu lông… Với ông: “Thể thao là rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí và rèn cả cách đối nhân xử thế. Thể thao – nói cách khác – chính là học làm người” (trang 125). Khi phát hiện các con có năng khiếu, ông đã tập trung bồi dưỡng, mời thầy về dạy, gửi các con đi học xa…

Chính sự kiên quyết của người cha, sự động viên, chăm sóc của người mẹ và sự tự lập, nỗ lực không ngừng của những người con đã giúp gia đình ông Phạm Văn Tuyển gặt hái những quả ngọt: Phạm Thanh Thủy và Phạm Thị Thanh Thúy trở thành vận động viên cấp I về bóng bàn, đoạt nhiều huy chương vàng giải quốc gia và đi thi đấu giao hữu các giải quốc tế. Phạm Thị Ngọc Thanh là kiện tướng cờ vua quốc gia liên tục 14 năm, được Liên đoàn cờ vua thế giới phong tặng danh hiệu kiện tướng FIDE. Con trai Phạm Ngọc Tuấn nhiều năm vô địch cá nhân nam môn bóng bàn tỉnh Quảng Nam. Các con rể cùng các cháu nội, ngoại của ông Tuyển cũng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các môn việt dã, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua… góp phần làm dày lên thành tích của một gia đình 3 thế hệ đều đam mê và cống hiến hết mình cho thể thao. Những người con còn lại của ông Tuyển dù không theo nghiệp thể thao nhưng cũng trở thành những doanh nhân thành đạt.

Đáng quý nữa là gia đình ông Tuyển tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Đặc biệt, ông Tuyển đã xây dựng một thư viện và sân chơi thể thao tại nhà để phục vụ miễn phí cho nhân dân. 

Dù ông Phạm Văn Tuyển tự ví mình là “giọt nước giữa biển khơi”  nhưng với nhiều người, ông chính là “giọt trí tuệ của biển cả”. Và người lặng lẽ góp phần to lớn vào những thành công rực rỡ của gia đình ông Phạm Văn Tuyển chính là bà Thu- vợ ông Tuyển- một người chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con… Bà Thu đã cùng chồng lèo lái con thuyền gia đình từ những ngày cơ cực, đói rách đến ngày cập được “bến phúc”.

“Giọt nước giữa biển khơi” giúp người đọc nhận ra rằng: mồ hôi, nước mắt và sự khắc nghiệt của hoàn cảnh không đẩy lùi được ý chí và sự quyết tâm của con người. Nếu luôn phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bạn sẽ thành công. Nhưng có lẽ sau khi gấp sách lại, điều đọng lại sâu sắc nhất với độc giả chính là tình cảm thiêng liêng của gia đình. Tình nghĩa vợ chồng hơn 60 năm của ông Tuyển – bà Thu, tình thương con của cha mẹ, sự hiếu đạo của con cháu… được gắn kết với nhau rất bền vững. Gia đình ấy đã dâng tặng cho đời những “hạt ngọc” quý. 

     CÁT ĐẰNG 

Chia sẻ bài viết