10/08/2024 - 22:48

Người dạy tôi chơi cờ 

Truyện ngắn: VŨ NGỌC GIAO

“Chiêu à, có lẽ mẹ con mình phải bán căn nhà này đi thôi!” - mẹ nói giọng bùi ngùi. “Sao lại phải bán nhà hả mẹ?” - tôi sửng sốt. “Ðể trang trải những khoản nợ ba đã vay” - giọng mẹ khô khốc - “Không còn cách nào khác, con à!”. Bên chao đèn vàng ấm, gương mặt mẹ không giấu nổi vẻ nhợt nhạt với viền môi xám và đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ. “Nhưng… hơn mười năm nay ông ấy đã bỏ mẹ con mình, đã có một đời sống khác. Mẹ có cần phải vậy không?”. “Ðúng, ba đã có một đời sống khác và đó là sai lầm ông ấy đã phải trả đến hôm nay”. “Sai lầm của ba, con và mẹ phải gánh chịu sao?”. “Không bắt buộc nhưng mẹ thấy cần như vậy. Hiểu cho mẹ được không Chiêu?”.

Tôi lao ra vườn, đến bên chiếc ghế kê dưới cội hoàng lan. Góc vườn này là khoảng trời của riêng tôi hơn mười năm nay, từ ngày ba tôi bỏ đi, để lại khoảng trống không gì lấp nổi cho mẹ con tôi. Mẹ tôi từ một người phụ nữ luôn rạng rỡ bỗng chốc trở thành người mắc bệnh trầm uất. Qua giai đoạn vật vã, mẹ tìm đến Phật pháp như một cách tự chữa lành. Còn tôi, từ một cô bé bảy tuổi hồn nhiên với hạnh phúc đủ đầy, bỗng chốc trở thành đứa trẻ thiếu cha, trở thành bờ vai nương tựa cho mẹ trong những đêm dài nức nở. Hơn mười năm, trong mắt bạn bè, tôi là đứa con gái tội nghiệp già trước tuổi.

Hơn mười năm không có ba bên cạnh, tôi cũng tìm được một thế giới cho riêng mình. Có những ngày thật dài dưới cội hoàng lan này, tôi co ro khuất trong góc tối nhìn bóng chiều đi qua, dần tắt rồi nhường chỗ cho buổi hoàng hôn… Tôi trôi trong tiếng kinh cầu của mẹ từ trên lầu vọng xuống, cho đến khi đêm cạn dần… Từ bao giờ, tôi yêu thế giới của riêng mình đến quặn thắt, yêu như một cách chấp nhận. Không thể khác.

Từ bao giờ, chiếc ghế gỗ mòn vẹt nước sơn lặng lẽ dưới cội hoàng lan này bỗng trở thành chứng nhân của gia đình tôi. Những thăng trầm, hạnh phúc, ly tan… Ngày mai, ngày kia, tôi phải rời xa nó. Sự chia biệt luôn khiến tôi nghẹn lòng, nó như một phần đời buộc tôi phải đi qua.

Lại một lần không thể khác. Trong đêm tĩnh, tôi chợt nhận ra tiếng kinh cầu của mẹ đã dứt từ bao giờ, sớm hơn mọi ngày.

“Vào nhà đi con! Khuya rồi, sương đêm lạnh quá!” - mẹ khe khẽ sau lưng tôi, bờ vai gầy rũ xuống như con chim gãy cánh.

Cội hoàng lan phủ lên vai mẹ bóng tối mang dáng hình của ba. Tôi mường tượng nhớ lại gương mặt ba trong buổi chiều mưa xám xịt cùng với chiếc vali khuất sau cánh cổng, vội vàng.

* * *

Cuối cùng rồi mẹ tôi cũng bán đi căn nhà kỷ niệm. Số tiền vừa đủ trang trải các khoản nợ vay của ba. Còn lại số ít ỏi mẹ dành cho tôi vào đại học. Tôi và mẹ bắt đầu một cuộc sống tạm bợ trong căn nhà thuê ở xóm nhỏ vùng ngoại ô.

Ðó là một căn nhà với tường vôi loang ẩm mốc, trên trần mạng nhện giăng mắc như dây điện. Ngày đầu dọn về tôi ngỡ căn nhà bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi, phía sau cách nhà tôi không xa có khu đất trống mênh mông cây cỏ. Trên đó vài ngôi mộ thưa thớt, cũ xưa, nước vôi quét bên ngoài thẫm một màu xám u buồn. Âm thanh ám ảnh nhất là tiếng côn trùng như rúc rỉa vào da thịt tôi trong những đêm dài bấn loạn. Căn nhà tôi trọ được bao bọc bởi một hàng rào kẽm gai gỉ sét, trên đó người ta treo đủ thứ tiện tay nhặt được bên đường. Những khi ở nhà một mình tôi như lạc vào thế giới bị bỏ quên bởi cỏ cây bốn bề phủ kín, trước sân một cây xoài cổ thụ um tùm, về đêm chẳng mấy khi tôi dám nhìn lên.

Chừng vài tháng sau tôi quen dần khung cảnh nơi này, những căn nhà cách nhau bằng những vạt đất phủ đầy cây cỏ. Bên kia hàng rào không xa lắm, có một căn nhà nhỏ khá cổ kính nằm giấu mình dưới giàn bông giấy hồng xác pháo. Trên khoảnh sân nhỏ trồng vài bụi hoa sói, treo vài giò lan hồ điệp, về đêm hương hoa thoảng đến tận phòng tôi.

Mới sáng sớm đã bị đánh thức bởi tiếng líu ríu của đám chim trong vườn bạch đàn sau nhà, tôi mở cửa nhìn ra. Bên kia hàng rào, bóng một ông cụ nhỏ thó trong bộ đồ bà ba nâu đang ngồi bên bàn cờ, thỉnh thoảng ông đẩy một quân cờ, nhấp ngụm trà rồi trầm ngâm suy nghĩ, thỉnh thoảng ông ngửa mặt lên trời cười một mình. Tội nghiệp ông cụ không có bạn chơi cờ, tôi thầm nghĩ, quay vào nhà hâm lại nồi cơm, ăn qua loa rồi đạp xe đến trường.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, nhìn qua hàng rào lần nào tôi cũng thấy ông cụ ngồi đánh cờ một mình, vẫn dáng người thẳng thớm nho nhã, thỉnh thoảng đưa tay đẩy quân cờ một cách dứt khoát. Tôi mon men đến bên hàng rào nhìn vào, ông cụ vẫn không hay biết vì mải trầm tư.

Bên bụi cỏ gai dưới chân tôi một ổ kiến lửa bò lổm ngổm, tôi co chân nhảy ra nhưng không kịp. “Ui da…” tôi khẽ kêu lên. Nghe tiếng tôi, ông cụ buông quân cờ nhìn ra. Tôi rời tổ kiến lửa chạy đến bên gốc cây vú sữa bị đốn cụt gần đấy ngồi xuống xoa bàn chân chi chít những nốt đỏ, ngẩng lên đã thấy ông cụ đến bên hàng rào. “Sao cháu lại ngồi đó? Vào đây cho mát” - ông đi ra mở cổng. Ông chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện làm bằng khúc gỗ cưa. “Gia đình cháu mới dọn về đây, đúng không?” - ông hỏi, mắt vẫn không rời những quân cờ. “Vâng!” - tôi khẽ đáp. “Cháu thường thấy ông chơi cờ, ông chơi một mình sao?”. “Ừ…”. “Nhưng… chơi một mình chẳng thú vị chút nào” - tôi cười. “Sao cháu lại nghĩ thế?!”. “Vì sẽ chẳng có người thua, mỗi ông thắng thôi”. Ông cụ lát sau ngẩng lên khẽ bảo tôi: “Cháu không biết đấy thôi, chơi cờ một mình khó hơn chơi hai người vì phải phân thân”. “À, mà cháu có biết chơi cờ không?” - ông đột ngột hỏi. “Không ạ!”. “Vậy thì cháu sẽ không hiểu đâu!”. Chợt ông lại hỏi: “Nhưng cháu thích cờ tướng chứ?”. “Vâng!”. “Ðược, ông sẽ dạy”.

* * *

Ðều đặn mỗi chiều tôi sang nhà ông, hầu như lần nào ông cũng ngồi lặng phắc trước bàn cờ đợi tôi. Nhập môn, mỗi ngày ông dạy tôi về chữ nghĩa, giảng cho tôi về cờ “Ngồi trước bàn cờ cháu cần phải dẹp hết tạp niệm thì mới đạt đến cái vi diệu của cờ tướng”. Ông dạy tôi khai cuộc. Sau ba ngày học tôi đã có thể chơi cờ cùng ông. “Khá lắm!” - ông vui vẻ đứng lên vuốt chòm râu lưa thưa. “Cháu khá lắm!” - ông nhắc đi nhắc lại câu đó khi thấy tôi đẩy một quân cờ.

Thân với ông, tôi bắt đầu khám phá thế giới riêng của ông, đó là một căn phòng giản dị kiểu cổ luôn thơm ngát mùi trầm và toát lên vẻ u nhã sâu xa nhưng có cái gì như uẩn khúc, lành lạnh và thiếu hơi người. Trên tường một bức tranh cổ hình cá chép ngắm trăng, kệ sách kê gần kín bốn bức tường, nhiều đến nỗi tôi không sao đếm xuể. Có lần tôi cầm lên một cuốn sách dạy đánh cờ, lật vài trang đầu tôi đã bị cuốn vào, quên mất mình đang ở trong căn phòng của ông. Ðọc hết nửa cuốn sách tôi mới sực tỉnh đi ra. Ông vẫn ngồi đợi tôi bên bàn cờ không sốt ruột, cũng không hỏi tôi đang đọc gì. Nhìn thấy cuốn sách trên tay tôi, ông nhấp một ngụm trà rồi trầm tư nhìn vào bàn cờ như thôi miên.

“Bức tranh cá chép trong phòng ông đẹp thật!” - tôi lên tiếng xua tan không khí trầm lắng. “Ðó là bức Lý Ngư Vọng Nguyệt, nghĩa là cá chép ngắm trăng, ông được một người bạn tặng từ lâu lắm rồi” - đoạn ông khẽ bảo - “Chiêu này, từ nay cháu có thể tự nghiên cứu thêm về trung cuộc và tàn cuộc”. Ông chỉ cuốn sách tôi đang cầm: “Trong này có cả, để đánh được thế trận cháu muốn thì trước tiên cháu phải tinh thông các thế trận khác, cháu cần nghiên cứu sâu về các thế cờ thủ” - ông hạ giọng - “Và nhớ, tấn công không khó, phòng thủ mới khó”. Thấy tôi còn lơ mơ, ông chậm rãi nói tiếp: “Xưa nay người ta vẫn thường cho rằng chơi cờ giúp thư giãn và rèn luyện trí tuệ cũng như những kỹ năng bổ ích nhưng ít ai nhận ra rằng, luôn có sự liên quan giữa cờ và đời, cháu ạ!”. “Vâng” - tôi khẽ đáp, chợt nhận ra những lời ông vừa nói đã mở cho tôi một cánh cửa thông tuệ mà có lẽ không gặp ông, tôi có đọc một ngàn cuốn sách vẫn không thể nào khai mở được.

Bên tách trà đã nguội, gương mặt ông trở nên câm lặng, những lằn rãnh hằn sâu lên trán, bên khóe miệng trũng xuống một dấu móc kiểu của người buồn nhiều hơn vui. Ánh mắt đăm đắm nhìn ra bãi cát trắng trước nhà, trên đó đầy những bụi xương rồng gai góc, ông lẩm bẩm: “Như ông đây, một đời không hại ai, không bị công và cũng không trả đòn”. “Vậy chơi cờ cũng như sống ở đời, không đánh cũng không trả, phải không ông?”. Ông cụ lặng lẽ đứng lên vào trong châm thêm ấm nước trà, trở ra ông thủng thẳng bảo tôi: “Cháu hãy nhớ Bình phong mã! Ðó là một thế trận khai cục bậc nhất trong cờ tướng, phòng thủ chắc, ván cờ sẽ trở nên ôn hòa hơn so với kiểu chơi đối công ác liệt mà nó vẫn đủ sức chống lại các trận Pháo đầu và ứng phó hiệu quả với bất cứ khai cục nào của bên đi tiên”. “Và Bình phong mã thiên về đi hậu?”. “Ðúng vậy! Tập thế cờ đi hậu, mượn sức người mà đánh chứ đừng hại người”. Ông lại đứng lên vào trong mang ra một bàn cờ khác đặt xuống trước tôi: “Ðánh với ông một ván cuối cùng trước khi ông tặng lại cháu bàn cờ này”.

Tôi sửng sốt nhìn chiếc bàn cờ cổ xưa, gỗ mun đen tuyền với những quân cờ xinh xắn. Một không khí trang nghiêm bỗng bao trùm và thâm trầm đến lạ, nghe trong đó có cả mùi hoa sói vừa thoảng qua.

Ông chầm chậm đẩy những quân cờ màu trắng về phía tôi, nhẹ ra hiệu cho tôi đi nước cờ đầu tiên. Tôi say sưa trong ván cờ bất phân thắng bại cho đến khi ông dừng lại. Tôi ngạc nhiên vì ván cờ vẫn chưa kết thúc, nhưng không hỏi tại sao. Tay ông run run khẽ kẹp nắp ấm, rót ra một tách trà cho tôi. Tách trà thoảng mùi hoa sói thơm ngát trong buổi chiều tàn khiến tôi xốn xang. Tôi ngồi cùng ông. Không ai nói với ai thêm một lời nào. Tôi cũng không có ý định phá hủy khoảng không thinh lặng thú vị đó cho đến khi ông đứng lên khẽ vẫy tay ra dấu tạm biệt tôi rồi lần tường từng bước vào nhà...

 

Chia sẻ bài viết