25/06/2012 - 21:20

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ CHÂU VĂN LIÊM

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

LTS: Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 – 29/6/2012), Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tài liệu tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn.

 

Những năm hai mươi của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam đi vào khúc quanh của lịch sử. Trong lúc các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp theo ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp phong kiến đều thất bại thì phong trào cách mạng quốc gia tiếp tục bùng dậy, khởi đầu bằng tiếng bom Phạm Hồng Thái vang lên từ Sa Diện (Quảng Châu - Trung Quốc)- “cánh én báo hiệu mùa xuân”! Trong nước, hàng loạt tổ chức đảng phái chính trị của tư sản, tiểu tư sản ra đời, đua nhau hoạt động. Nam Kỳ vào các năm 1924, 1925, 1926 liên tiếp diễn ra phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đòi thả Nguyễn An Ninh, để tang chí sĩ Phan Tây Hồ... tác động mạnh mẽ vào tinh thần đấu tranh ngoan cường của các tầng lớp đồng bào. Từ phong trào yêu nước xuất hiện nhiều cá nhân tiến bộ, trong đó có Châu Văn Liêm, một thầy giáo trẻ được thanh niên và trí thức đương thời tín nhiệm.

I. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm

Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình Nho học. Năm lên 10 tuổi, Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ quốc ngữ và được cha mẹ cho ra trường tỉnh học - trường nội trú Cần Thơ (về sau được đổi tên là Collège de CanTho, Trường Trung học Phan Thanh Giản và nay là Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm Cần Thơ). Sau khi đậu bằng thành chung (Diplôme), ngày 3-7-1922, Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn.

Năm 1924, tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Dương, Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở Trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Đến đầu năm 1926 - 1927, Châu Văn Liêm bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).

Vừa dạy học, vừa tham gia hoạt động cách mạng, đến năm 1927 tại Long Xuyên, Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 2-1928, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tỉnh Long Xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát triển hội viên và tổ chức cơ sở Hội.

Tháng 3-1929 Châu Văn Liêm được đề cử làm Bí thư Kỳ ủy Nam kỳ. Ngày 7-8-1929, với vai trò là thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một phiên họp ở Sài Gòn, chuẩn bị cho việc ra đời của một tổ chức mới là “An Nam Cộng sản Đảng”. Đến tháng 11-1929, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng - cơ quan Trung ương của An Nam Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư.

Ngày 3-2-1930, Châu Văn Liêm được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng Cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Trung Quốc) cùng với đồng chí Nguyễn Thiệu. Sau hội nghị thành lập Đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang đến Cà Mau.

Ngày 24-2-1930, cùng với Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc đối mặt với quân thù Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng bạo tàn của tên cảnh sát thực dân Đờ rơi (Dreuil) ở tuổi 28.

II- Châu Văn Liêm - tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học, người thầy mẫu mực và người cộng sản kiên trung

1- Châu Văn Liêm - người học trò hiếu học

Sinh ra trong một gia đình Nho học, tư chất lại thông minh nên từ thuở nhỏ Châu Văn Liêm rất hiếu học. Khi còn thơ ấu, Châu Văn Liêm được ông nội và cha dạy chữ Nho. Sau được một thầy đồ ở Quảng Ngãi vào vừa dạy cho chữ Nho lẫn nghề thuốc Bắc. Học xong sơ học yếu lược ở quê nhà, Châu Văn Liêm được cha mẹ cho ra trường tỉnh học - trường nội trú Cần Thơ, cùng thời với Lê Văn Sô, Trần Ngọc Quế – một trong những lớp học sinh đầu tiên của trường nội trú này (về sau được đổi tên là Collège de CanTho, Trường Trung học Phan Thanh Giản và nay là Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm Cần Thơ).

Những năm tháng trọ học ở Cần Thơ, lúc rảnh rỗi, Châu Văn Liêm thường cùng các bạn học đến Nam Nhã Đường - nay là Di tích lịch sử Nam Nhã Đường, thuộc quận Bình Thủy để nghe vị chủ trì nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu; nghe kể về những mẩu chuyện và thơ ca truyền khẩu có nội dung chống Pháp. Từ những hiểu biết đầu tiên có nội dung yêu nước ấy, Châu Văn Liêm ước mơ lớn lên được trở thành người có ích cho nhân dân, cho đất nước, nối tiếp truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Sau khi đậu bằng thành chung (Diplôme), ngày 3-7-1922, Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn. Ở đây, Châu Văn Liêm có cơ hội tiếp cận với sách báo tiến bộ và thơ văn yêu nước lưu hành bí mật hoặc công khai, như báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, tập thơ “Hải Ngoại Huyết Thư” của Phan Bội Châu... Châu Văn Liêm say mê đọc những bài viết cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc in trên sách báo tiến bộ lúc bấy giờ. Châu Văn Liêm thường hay bày tỏ quan điểm của mình với những thanh niên yêu nước như Nguyễn An Ninh, Phạm Quang Quới về một xã hội tốt đẹp, muốn được góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có một truyền thống lâu đời, quí báu. Sau này, khi đã đi dạy học, hàng tuần Châu Văn Liêm vẫn tranh thủ học thêm chữ Nho với ông thầy người miền Trung rất giỏi, vào ngày chủ nhật.

2- Châu Văn Liêm - người thầy giáo mẫu mực

Năm 1924, tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Dương, Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở Trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Do đấu tranh chống bọn đốc học Tây và những giáo viên vô trách nhiệm đối với học sinh, đầu năm 1926 - 1927 Châu Văn Liêm bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên. Dù dạy học ở đâu, Châu Văn Liêm luôn nghĩ rằng: ở đâu cũng là đồng bào mình, học sinh là con em nông dân của mình, cần được sự chăm lo của các thầy cô giáo nên hết lòng quan tâm, thăm hỏi, động viên. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức theo nội dung chính khóa, Châu Văn Liêm còn khơi gợi lòng yêu nước nơi học sinh. Ngoài việc dạy học ở trường, thầy giáo Liêm còn mở lớp học xóa mù chữ cho người nghèo vào ban đêm; vận động người khá giúp người nghèo tập, viết để học.

Ngoài ra, Châu Văn Liêm còn vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn cùng với các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương lập ra một trường tư thục mang tên “Sa Đéc học đường” nhằm tập trung sức đào tạo các em học sinh trở thành người tốt giúp ích cho xã hội; đồng thời làm cơ sở để hoạt động cách mạng. Qua hai khóa học “Sa Đéc học đường” đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi có lòng yêu nước, thương dân; có tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức vào thời cuộc. “Sa Đéc học đường” còn là điểm hẹn giữa các tổ chức Hội trong và ngoài tỉnh Sa Đéc, là nơi liên lạc của những nhà cách mạng lúc bấy giờ.

Bao giờ và ở đâu, Châu Văn Liêm vẫn miệt mài chăm lo công việc, tự trau dồi hiểu biết, theo dõi tình hình trong và ngoài nước thông qua việc đọc sách báo tiến bộ lưu hành công khai hay bí mật. Anh thích nhất là các bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trên các báo “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, đặc biệt là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Các bài viết này đã mở ra cho anh tầm nhìn rộng lớn về con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Từ những bài báo và tài liệu đó, Châu Văn Liêm đã xác định con đường đi theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, theo Cách mạng Tháng Mười Nga, theo con đường của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tin rằng Việt Nam sẽ thắng lợi.

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY

Chia sẻ bài viết