09/11/2024 - 07:57

Ngôn ngữ - vấn đề đối với hệ thống y tế Ðức 

Ðức là một xã hội đa ngôn ngữ, nhưng những người không nói tiếng Ðức thường khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây.

Việc thiếu dịch vụ dịch thuật khiến các bác sĩ Ðức khó điều trị cho nhiều bệnh nhân không nói ngôn ngữ này. Ảnh: DPA

Như trường hợp của cô Hedvig Skirgard, một chuyên gia ngôn ngữ người Thụy Điển đã đến thành phố Leipzig của Đức để học sau tiến sĩ. Trải nghiệm xấu trong một lần khám bệnh khi mới ở đây được vài tháng vẫn ám ảnh Skirgard đến bây giờ. “Bác sĩ của tôi giới thiệu một vài chuyên gia. Tôi liên lạc với họ bằng Google Dịch và chút tiếng Đức ít ỏi mà mình có. Tôi hỏi liệu họ có thể nói tiếng Anh không, nhưng không ai nói được. Tôi lại hỏi liệu có dịch vụ phiên dịch nào không, nhưng ở đây không có”, cô nhớ lại.

Theo Skirgard, điều mà cô thấy kỳ lạ nhất là việc các bác sĩ dường như không biết phải làm gì khi họ không cùng chia sẻ ngôn ngữ với bệnh nhân. “Liệu tôi có thể là người nhập cư đầu tiên ở thành phố trải qua một thủ thuật y tế mà không có kỹ năng nói tiếng Đức nâng cao không? Chắc chắn là không?”. Sở dĩ Skirgard chắc chắn mình không phải người duy nhất có trải nghiệm như vậy là vì Văn phòng Thống kê Liên bang Đức hồi năm 2023 phát hiện khoảng 15% cư dân sống ở Đức không nói ngôn ngữ này ở nhà.

Có vẻ như số đông các bác sĩ Đức sẽ đồng ý với việc cần dịch vụ dịch thuật trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Như hồi tháng 5, hội nghị các bác sĩ hoạt động trong Hiệp hội Y khoa Đức đã bỏ phiếu ủng hộ 2 động thái yêu cầu cung cấp dịch vụ phiên dịch chuyên nghiệp miễn phí, với lý do việc thiếu dịch vụ như vậy khiến các bác sĩ khó thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thông thường, việc giao tiếp giữa bác sĩ với những bệnh nhân có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Đức chỉ có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của gia đình hoặc đồng nghiệp trong ngành y, nhân viên điều dưỡng hoặc nhân viên dịch vụ. Nhưng việc làm trung gian ngôn ngữ kiểu nghiệp dư này không chỉ tạo gánh nặng cho người phiên dịch, mà còn cho cả nhóm y tế và bệnh nhân. Nó cũng làm phức tạp thêm việc chẩn đoán hoặc điều trị cho bệnh nhân.

Nhu cầu dịch thuật trong hệ thống chăm sóc sức khỏe

Trên thực tế, những hệ thống y tế có hỗ trợ dịch thuật không phải là ý tưởng mới. Ở các nước châu Âu khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe - chứ không phải bệnh nhân - phải tìm ra ngôn ngữ chung. Như tại Thụy Điển, có một hệ thống tập trung cho phép bác sĩ đặt cuộc gọi hội nghị với phiên dịch viên nếu họ có hẹn khám cho bệnh nhân không nói tiếng Thụy Điển. Còn ở Na Uy, bệnh nhân có quyền hợp pháp được nhận thông tin về sức khỏe và phương pháp điều trị y tế cho bản thân bằng ngôn ngữ mà họ hiểu. Dịch vụ Y tế Ireland cũng đã ban hành hướng dẫn về cách bác sĩ nên tìm phiên dịch viên.

Trong khi đó, tại Đức, các bác sĩ và bệnh nhân phải loay hoay tự giải quyết vấn đề trở ngại ngôn ngữ. Đôi khi, họ phải nhờ đến sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện và tình nguyện viên như Communication in Medical Settings, một nhóm chuyên tổ chức phiên dịch cho các cuộc hẹn của bác sĩ với bệnh nhân là người tị nạn. Paulina, một thành viên của Communication in Medical Settings, cho biết: “Chúng tôi coi mình là người lấp đầy khoảng trống cho công việc phiên dịch mà đáng lẽ phải được thực hiện và trả lương một cách chuyên nghiệp”.

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz nhận thức được vấn đề nói trên và hồi năm 2021 đã cam kết sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm y tế nhà nước chi trả chi phí cho dịch vụ phiên dịch. Nhưng theo xác nhận từ một phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức, đây vẫn là kế hoạch và chính phủ sẽ khuyến nghị đưa vấn đề này vào Đạo luật Tăng cường Chăm sóc Sức khỏe.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

 

 

 

Chia sẻ bài viết