Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân vừa xác nhận, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm mới tới 5 nước châu Phi, tiếp nối truyền thống kéo dài 3 thập kỷ nhằm gởi thông điệp ưu ái đối với lục địa đen trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp người đồng cấp Ghana Shirley Ayorkor Botchwey trong một cuộc gặp hồi năm 2019. Ảnh: AP
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ “xông đất” Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles từ hôm nay 4-1 đến ngày 9-1. “Kể từ năm 1991, ngoại trưởng Trung Quốc mỗi năm đều thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới châu Phi. Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị là sự nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc trong mối quan hệ với châu Phi” - ông Vương Văn Bân nhấn mạnh, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc và châu Phi đã đoàn kết chống dịch, đó là “minh chứng cho tình anh em” giữa hai bên. Ông Vương Văn Bân nói thêm rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng thể hiện sự chân thành và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi thời hậu COVID-19. Giới phân tích cho rằng các thỏa thuận mua bán, hỗ trợ và sản xuất vaccine COVID-19 do Trung Quốc chế tạo là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công du “xông đất” năm nay của Ngoại trưởng Vương Nghị. Tháng 10-2020, 50 nhà ngoại giao châu Phi đã đi thăm các nhà máy của Sinopham, nhà chế tạo vaccine lớn nhất của Trung Quốc. Công ty dược phẩm này đã thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 tại Morocco nhằm hỗ trợ Trung Quốc trong sản xuất một khi vaccine được phê chuẩn.
Ngoài vấn đề COVID-19, hợp tác kéo dài hàng thập kỷ giữa Trung Quốc và châu Phi được cho là kết quả của mối quan hệ kinh tế, chính trị ngày càng gần gũi. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với kim ngạch thương mại song phương lên tới hơn 200 tỉ USD/năm. Ước tính, có khoảng 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi và hơn 1 triệu công nhân Trung Quốc đến châu Phi làm việc trong giai đoạn 2001-2014.
Theo thống kê, Trung Quốc đã cấp các khoản vay trị giá 178 tỉ USD cho 52 nước châu Phi trong 2 thập kỷ qua. Nhiều khoản đầu tư trong số này được triển khai theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động vào năm 2013. Kể từ đó, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự ở châu Phi. Ðơn cử, Trung Quốc cách đây 3 năm xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, nơi Mỹ và Pháp cũng đặt căn cứ quân sự. Không những vậy, Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 2 và nằm trong số 10 nước đóng góp binh sĩ quốc tế nhiều nhất, với khoảng 2.500 người, cho 9 sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trong đó có những nhiệm vụ ở châu Phi.
Chính sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến các đối thủ, nhất là Mỹ, lo ngại. Kể từ năm 2000, các công ty Mỹ đổ hàng trăm tỉ USD vào châu Phi. Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 10-2020 đã thúc đẩy sáng kiến “châu Phi thịnh vượng” được công bố hồi tháng 6-2019 nhằm tăng cường đầu tư của Mỹ vào châu Phi. Kể từ khi ra mắt, sáng kiến đã thu hút hơn 22 tỉ USD đầu tư vào hơn 30 quốc gia châu Phi trong 25 lĩnh vực kinh doanh.
Trong báo cáo thường niên mới đây gởi Quốc hội Mỹ, Ủy ban Ðánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung nhận định: “Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã củng cố lại mối quan hệ lâu đời của mình với các nước châu Phi, đặt lục địa này vào trung tâm của tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị toàn cầu”. Báo cáo cũng cáo buộc Bắc Kinh “sử dụng ảnh hưởng có được nhờ sự can dự chính trị vào các nước châu Phi để tranh thủ sự ủng hộ của châu Phi đối với các mục tiêu địa chính trị, làm giảm tác động của chính sách ngoại giao Mỹ ở châu Phi và trong hệ thống quốc tế”.
TRÍ VĂN (Theo Newsweek, Fairplanet)