01/10/2011 - 10:22

Ngoài thắng, trong lo lắng

Nhìn bề ngoài, việc Quốc hội Đức (Bundestag) ngày 29-9 thông qua dự luật mở rộng quyền hạn cho quỹ giải cứu Liên minh châu Âu (EU) là một chiến thắng ấn tượng của Thủ tướng Angela Merkel. Kết quả cuối cùng cho thấy 523 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ giải pháp của bà Merkel, trong khi chỉ có 85 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Thắng lợi ở Bundestag cũng được coi là rất quan trọng với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bởi việc Đức thông qua dự luật là một bước cần thiết thúc đẩy tăng quy mô và phạm vi của quỹ giải cứu, còn được gọi là Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Bundestag nhất trí tăng quy mô của quỹ từ 338 tỉ USD hiện nay lên 600 tỉ USD, trong đó Đức cam kết tăng phần đóng góp của họ từ 163 tỉ USD lên 288 tỉ USD. Thỏa thuận này cũng trao cho EFSF nhiều quyền mới như quyền mua trái phiếu của những nước gặp khó khăn và gián tiếp giải cứu các ngân hàng “lâm nạn”.

Tuy nhiên, kết quả này không phản ánh đúng thực trạng bất đồng trong nội bộ chính quyền Đức. Ở hậu trường, bà Merkel đã phải tích cực vận động để duy trì sự đồng thuận trong liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và Dân chủ Tự do (FDP). Khủng hoảng cũng khiến quan hệ giữa Đức với các nước láng giềng căng thẳng. Dư luận Đức xem các nước mắc nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland là “thiếu trách nhiệm, liều lĩnh và lười nhác”. Vì vậy, để có sự đồng thuận, bà Merkel đã phải tìm cách xóa bỏ những quan niệm ấy, vốn đã xuất hiện ngay trong nội bộ liên minh trung hữu của bà. Trong khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh đối lập ủng hộ dự luật về quỹ giải cứu, thì có hơn 19 thành viên trong liên minh của bà bác bỏ. Các nhà quan sát cho rằng điều này cho thấy sức mạnh chính trị của bà Merkel đang bị đe dọa.

Nguy hiểm hơn cho Eurozone, cuộc bỏ phiếu ở Bundestag chỉ là một trong nhiều chướng ngại mà khu vực này phải đối mặt trong vài tháng tới. EFSF cần đảm bảo được tất cả 17 nước Eurozone thông qua và Đức mới chỉ là nước thứ 11. Thực ra, Bundestag không phải là “cuộc kiểm tra” ngặt nghèo nhất với EFSF. Đang vất vả tự vận dụng các biện pháp cải tổ kinh tế, Slovakia đã phản đối mạnh mẽ ý tưởng giải cứu các thành viên Eurozone như Hy Lạp. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Slovakia ngày 17-10 tới hứa hẹn là cuộc kiểm tra nghiêm khắc hơn.

Ngay cả sau các cuộc bỏ phiếu này vẫn còn nhiều trở ngại khác. Những quy định mới về quỹ giải cứu vừa được các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí hồi tháng 7, nhưng dường như nó đã lỗi thời. Nguy cơ khủng hoảng nợ ở Ý và Tây Ban Nha cho thấy rằng quỹ giải cứu là quá nhỏ bé.

Khủng hoảng đã gây tranh cãi ầm ĩ khắp châu Âu, nhưng năng lực của Eurozone để đối phó vẫn chưa chắc chắn. Nếu đề ra một kế hoạch “khổng lồ” để giải cứu các nước, EU sẽ đối mặt với những cuộc tranh cãi không có hồi kết, thậm chí với các điều kiện chính trị khó khăn hơn.

Quốc hội Đức thông qua dự luật là một thắng lợi, nhưng rõ ràng còn nhiều vấn đề đáng lo ở phía trước, mà báo TIME của Mỹ cho rằng khủng hoảng Eurozone còn lâu mới kết thúc.

NGUYỄN MINH (Theo TIME, NYT)

Chia sẻ bài viết