16/03/2023 - 09:47

Nghị lực của lão mù đặt trúm 

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

Không may bị mất đi đôi mắt, nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Hồ Văn Dũng ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Làm việc như người sáng mắt

Vợ chồng ông Dũng chuẩn bị mồi đặt trúm.

Vợ chồng ông Dũng chuẩn bị mồi đặt trúm.

Chúng tôi đến nhà ông Dũng khi ông đang chuẩn bị đồ nghề đi đặt trúm lươn. Có khách, ông tạm dừng công việc quen thuộc và tâm sự về đời mình. “Lúc 3 tuổi, tôi bị bệnh nhưng vì nhà nghèo, chỉ uống thuốc Nam. Bệnh không khỏi, lâu dần đôi mắt cũng không còn thấy gì nữa...” - ông Dũng kể.

Sống trong bóng tối khi còn quá nhỏ, ông Dũng được cha mẹ bảo bọc chu toàn. Đến tuổi thanh thiếu niên, ông bắt đầu mặc cảm về số phận đời mình nên cộc tính, sống lặng lẽ, khép mình. Trưởng thành hơn, ông Dũng suy nghĩ dần chín chắn, nhất là khi cha mẹ già vẫn phải vất vả chăm lo nên ông dần thay đổi tính tình và lạc quan hơn trong cuộc sống. “Lúc đó, tôi bắt đầu tự học cách chăm sóc bản thân, học làm việc nhà để đỡ đần cha mẹ. Tôi cố gắng lắng nghe mọi âm thanh xung quanh để xác định phương hướng, lần theo ngõ ngách trong nhà, mân mê từng cái chén, đôi đũa để tự lo cái ăn cho bản thân. Rồi mò dần ra sau hè, bờ ruộng... Riết cũng thành quen, tôi có thể tự mình làm mọi việc mà không phụ thuộc quá nhiều vào người khác” - ông Dũng chia sẻ.

Khi đã thành thục những ngõ ngách sau nhà, ông Dũng bắt đầu học cách đặt trúm, bắt ốc và cả phun thuốc cho lúa... Ông Dũng kể: “Đến mùa lươn, tôi đi đặt ở mấy cánh đồng gần nhà. Khi nước trên đồng rút thì tôi đi ra vườn, ra các con mương cặp mé ruộng đặt trúm. Do không thấy đường nên tôi để ý tầm chục bước chân thì đặt một ống trúm, cứ như vậy đến hết thì thôi. Có lẽ trời thương nên trúm tôi đặt ngày nào cũng có lươn”.

Để mục sở thị, chúng tôi theo chân ông Dũng ra đồng đặt trúm lươn, bắt ốc với hành trang trên vai ông lỉnh kỉnh can nhựa, ống trúm cùng vật bất ly thân là cây gậy dò đường. Có thể đây là đoạn đường quen thuộc nên ông Dũng bước đi khá rành rọt. “Trước đây không quen đường, tôi bị té hoài. Nhưng đi riết rồi quen, giờ tôi không còn sợ té. Không thấy đường nên việc gì cũng phải ghi nhớ trong đầu, ví dụ như đi đường đó bao nhiêu bước chân sẽ đến cái gì, rồi nhiều lần như vậy cũng thành quen, chứ chẳng phải tài giỏi gì!” - ông Dũng kể.

Chọn được nơi phù hợp, ông Dũng cẩn thận dùng cây gậy dò mé nước, một chân đưa xuống mé ruộng giữ thăng bằng rồi đặt và không quên lấy cỏ đè lên ống trúm. Động tác nhanh, thuần thục, ông Dũng làm không thua bất cứ người thợ đặt trúm lành nghề nào...

Cuộc tình đẹp của đôi vợ chồng khiếm khuyết

Sau trận lội ruộng vã mồ hôi, ông Dũng mời chúng tôi cùng thưởng thức đặc sản miền quê mà ông bắt được hôm trước. Ông Dũng còn khiến chúng tôi bất ngờ với tài lẻ chơi đàn guitar và hát vọng cổ khá mùi. Tất cả các bài hát của ông đều thể hiện sự vui tươi, lạc quan, nét đẹp của tình yêu đôi lứa… không hề có chút bi quan nào. Ông Dũng nói: “Tôi không may khuyết tật, vậy mà cuộc đời lại cho một mái ấm gia đình. Tôi có con ngoan, bản thân cũng không còn là gánh nặng cho người thân, vậy thì cớ sao phải buồn”.

Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện tình hơn 20 năm về trước, khi đó ông rất mặc cảm, chưa bao giờ dám nghĩ sẽ ngỏ lời với ai. Vậy mà qua lời mai mối của người chú, ông Dũng biết bà Thị Ánh bị hở hàm ếch. Như tìm được sự đồng cảm, hai mảnh đời khuyết tật nên duyên vợ chồng chỉ sau vài lần giáp mặt. “Lúc đó mỗi lần nghĩ chuyện lập gia đình, tôi tủi thân lắm, vì ai lại thương người mù. Không ngờ khi được mai mối, bà Ánh chịu tôi rồi thì tôi cưới bả. Vậy đó!” - ông Dũng nhớ lại.

Cưới nhau, vợ chồng ông Dũng ra riêng với của hồi môn là 1 công đất. Vợ chồng ông cần mẫn cải tạo đất làm nông nghiệp để nuôi sống gia đình. Vợ chồng ông Dũng có 3 người con, dù cuộc sống không dư dả nhưng gia đình nhỏ ấy luôn đầy ắp tình yêu thương. “Chắc do duyên số, gặp ông Dũng là tôi thương liền. Sau bao năm chung sống, vợ chồng cũng có cãi vã nhưng rồi chúng tôi vẫn yêu thương nhau” - bà Ánh chia sẻ.

Anh Trần Văn Triệu ở gần nhà ông Dũng, cho biết: “Anh Dũng dù bị mù nhưng tới mùa là tự đi phun thuốc cho lúa, rồi đi đặt lươn, bắt ốc… Nói thật, tôi sáng mắt có khi làm còn muốn không bằng anh Dũng. Ở ấp này, có việc gì cần giúp là bà con kêu vợ chồng anh Dũng làm, vì vợ chồng anh kỹ tính lại siêng năng...”.

Chia sẻ bài viết