30/05/2008 - 21:43

Nghệ nhân Thạch Nhứt - làm cho gỗ biết nói

Nghệ nhân Thạch Nhứt.

Ở tuổi 66, nghệ nhân Thạch Nhứt, ở ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), vẫn ngày ngày miệt mài đục đẽo. Những gốc cây, những khúc gỗ qua bàn tay tài hoa của ông trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Hơn 40 năm qua, điêu khắc đối với Thạch Nhứt là một niềm đam mê vượt trên tất cả những thú vui khác....

Nghệ nhân Thạch Nhứt là con út trong gia đình 7 anh chị em, ở ấp Cần Thay. Tuổi thơ của ông là những tháng năm cơ cực: ngày ngày bám trên lưng trâu, vui đùa với cây sáo trúc và nặn đất sét tạo hình muông thú... Trời phú cho cậu bé Thạch Nhứt có đôi tay khéo léo và đôi mắt thẩm mỹ hơn người. Những “tác phẩm” hình các loài thú, như: trâu, bò, gà, ngựa... bằng đất sét của Thạch Nhứt làm ra không chỉ được đám bạn mục đồng thích thú mà nhiều người lớn cũng tấm tắc khen đẹp. Năm 13 tuổi, theo truyền thống của dân tộc Khmer, Thạch Nhứt vào chùa S’rây Men Kol Ta Th’dey (chùa Cần Thay) tu học. Chính nơi này, đã tạo cơ hội cho Sadi Thạch Nhứt phát huy năng khiếu mỹ thuật của mình và cả đời gắn bó với nghề điêu khắc.

Vốn yêu thích nghệ thuật tạo hình, nên khi vào chùa tu học, thấy những hình tượng mà nghệ nhân Thạch Buônl đang chạm, khắc, Thạch Nhứt say mê vô cùng và xin được học. Hằng ngày, ngoài việc học kinh kệ, giáo lý nhà Phật, Sadi Thạch Nhứt dành hết thời gian chú tâm quan sát từng thao tác đẽo gọt cây gỗ, chạm trổ của thầy Buônl mà học tập. Chỉ sau 1 năm, Thạch Nhứt đã điêu khắc được những tác phẩm” Chim ưng quắp cá”, “ Đàn khỉ đu dây”, “Rắn thần Nêgar”... rất tinh tế, sinh động.

Năm 1963, Thạch Nhứt hoàn tục và tiếp tục đi đến các địa phương có những nghệ nhân danh tiếng trong nghề điêu khắc để học hỏi nâng cao tay nghề. Một trong những người thầy mà Thạch Nhứt được học hỏi, giúp cho ông đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình là cố nghệ nhân Lý Nghét, ở phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Tính đến nay, nghệ nhân Thạch Nhứt đã sáng tác được hơn một trăm tác phẩm. Trong số đó, tác phẩm “Bầu sữa mẹ” từng đoạt được giải nhất tại cuộc thi điêu khắc lần thứ 3 của tỉnh Vĩnh Long.

Hơn 40 năm lao động nghệ thuật, giờ đây nghệ nhân Thạch Nhứt dành hết tình yêu nghề, kinh nghiệm để đào tạo thế hệ kế thừa. Ông tâm sự: “ Trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi có 2 điều mong ước lớn nhất. Đó là tạo nên những tác phẩm đẹp cho đời và truyền lại nghề cho lớp trẻ để gìn giữ và phát huy nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc...”. Với lòng mong muốn đó, 5 năm nay, nghệ nhân Thạch Nhứt đã dạy nghề miễn phí cho 42 học trò là những thanh niên, thiếu niên dân tộc Khmer trong tỉnh Vĩnh Long. Trong số những người được nghệ nhân Thạch Nhứt dạy nghề, có 2 người con trai của ông là Thạch Rin và Thạch Sóc Kha hiện nay đã có thể tự mình bước đi trên con đường nghệ thuật.

KHEMRINH

Chia sẻ bài viết