09/02/2020 - 08:29

Nghề đan 

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

Má với tay bật đèn, quầng sáng hắt bóng má lửng lơ trên vách. Ngoài đầu vàm hồi vọng tiếng chim kêu thắt thẻo báo hiệu hoàng hôn. Xóm má ở nằm sâu trong ruộng, nơi có con rạch nhỏ rẽ nhánh từ dòng sông Cái Tàu chảy ngang qua, xuồng ghe lưa thưa. Má ngồi trên vạt dộng lộc cộc cho mấy cọng nan khít lại. Vừa dộng, má vừa nói với chị Thu:

- Bây nhìn má đan cho kĩ nghen, đan như vầy là đan long mốt, đan như hồi chiều là đan long hai, long ba...

Chị Thu nhìn chăm chú. Bàn tay má mấy ngón khum khum, có ngón đã chai cứng vì những tháng năm cầm dao vót nan, lần từng sợi nan đan đát. Vậy mà tay má thoăn thoắt trên mê thúng đã đan xong một nửa, còn một nửa dang dở. Từ hồi về miệt Cái Tàu làm dâu của má, ngày nào chị cũng chăm chú học nghề. Biết con dâu tha thiết với nghề nhà chồng nên má mừng. Nghề đan cần sự khéo léo, tỉ mỉ, đặc biệt là lòng kiên trì. Hình ảnh thường thấy ở nhà má là ngoài hiên nhà, dưới bóng mát của cây vú sữa cuối năm lấm tấm hoa, má ngồi trên vạt, chị Thu ngồi dưới đất, chân xếp bằng vót nan. Những cọng trúc chẻ ra sần sùi qua lưỡi dao bén ngót và bàn tay uyển chuyển của chị trở nên bóng loáng và mềm mượt uốn cong được. Vót nan xong thì má dạy chị Thu đan mê. Mê thúng to, nan khít; mê rổ thì nhỏ, nan thưa. Má thạo nghề nên làm nhanh, từ sáng tới chiều là đã xong chục rổ, nửa chục thúng. Còn chị Thu mới học nên làm chậm, mà cái rổ chị làm thì méo mó, mê thúng đan xong má phải tháo ra mấy sợi rồi chỉ chị đan lại cho trúng.

Chị Thu lúi húi tháo nan đan lại, chốc chốc lại hỏi má như vầy được chưa. Xóm làng vắng lặng chỉ nghe tiếng nan lách tách êm tai, tiếng gió thổi vào mái nhà xác xao và con gà trống bất giác gáy khan vài tiếng ọp ẹp. Hồi chị quyết định về xứ này làm dâu, má chị cản, xóm chị ai cũng cản. Ở xóm chị con gái lớn lên chỉ quen lấy chồng gần, không chịu lấy chồng xa lỡ “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, lại sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu, nhọc nhằn cơ khổ mà một mình thân gái bơ vơ nơi xứ khác. Chỉ một mình chị Thu là lấy chồng xa. Nhưng chị không khổ như người ta lo sợ. Chị sống hạnh phúc bên chồng, êm đềm vui vẻ trong nhà chồng, coi má chồng như má ruột, mà má cũng coi chị Thu như con má dứt ruột đẻ ra.

***

Tiếng chim chiều kêu thắt thẻo ngoài đám sậy mọc bên bờ ruộng. Hôm nay Ni về nhà sau hàng tháng trời bận rộn công tác. Nhưng trong nhà không rộn tiếng cười nói như mọi khi. Cơm nước xong, uống hết gói thuốc cảm mà bác sĩ trạm xá kê, má buồn buồn ra nhà trước thắp nhang cho ba, rồi ngồi trầm ngâm nhìn vào khoảng không gian nửa sáng, nửa tối. Bóng tối chưa lan hết, mặt trời lặn để sót lại vài tia sáng trước lúc ngày tàn. Đứng trong buồng nhìn ra, Ni thấy má ngồi vân vê mấy cái rổ đã đan xong, chục thúng xâu lại để sát vách nhà thương lái còn chưa đến lấy.

Không khí trong nhà chùng xuống từ hồi chiều, khi Ni vừa về tới nhà, phát hiện má bị cảm, nên sốt ruột bật thốt:

- Má già cả rồi, ngồi lọ mọ đan đát sinh bệnh ai lo? Con đi làm suốt, mươi bữa nửa tháng mới về, chị Thu dù gì cũng là dâu con, sao chăm lo cho má chu toàn trong ngoài hết được...

Chị Thu ngồi ngoài sau nhà lặt rau cũng nghe những gì Ni nói. Chị sững sờ. Má nhìn Ni một lúc rồi lặng đi. Mỗi lần má buồn, những vết nhăn trên mặt của má xếp lại, mắt má trĩu xuống và dường như có nước. Ni hốt hoảng sau lời lỡ miệng buông ra.

Lúc đó má không nói gì, ra đứng nhìn mớ nan thúng vừa mới vót còn chưa kịp bó lại, cây dao vót nan cán dao nhẵn bóng… toàn những hình ảnh thân quen với cuộc đời má. Má nhớ hồi ba còn sống, mấy bận ba má đi đốn trúc, đốn tre rồi ngồi đoạn khúc ngoài đầu bờ. Tre trúc nhà hết thì má với ba đi ghe qua xóm khác mà mua, khi nắng đổ mồ hôi, khi mưa dầm ướt loi ngoi như chuột lột. Tuy cơ cực nhưng nghề đan là nguồn sống chính của gia đình. Những buổi trưa yên ắng vẳng lên tiếng chẻ tre, chẻ trúc giòn giã của xóm đan đát xứ Cái Tàu. Chiều rộn ràng tiếng dộng nan đều đặn của các chị, các mẹ, các bà. Vỏ trúc, dăm trúc phơi khô bó lại chất lên giàn để nhen lửa. Những ngón tay má tự bao giờ đã không còn thon thon nữa, đầu ngón tay đã nhám đi. Má ngồi đan thúng riết rồi lưng má cũng khum xuống, cong cong. Nghề đan từ lâu đã ăn vào tâm thức người xứ Cái Tàu. Thúng, rổ miệt Cái Tàu nổi tiếng khắp nơi, tận trên Bảy Núi người ta còn biết tới. Hôm nọ chị Thu về xứ mang theo mấy cái rổ con con làm quà, bà con làng xóm sờ vào những sợi nan mềm mịn được bện đều nhận ra ngay rổ được đan bởi đôi tay khéo léo của người Cái Tàu.

Trong buồng, Ni ngồi im, thấy lòng mình bổi hổi. Nước mắt ấm ấm lăn dài trên gò má của Ni. Ni nhớ hồi còn nhỏ xíu, mỗi lần ba má đi đốn trúc, đốn tre về đan rổ là Ni nằng nặc đòi theo. Ni ngồi trong mui ghe, ba tấp ghe vào đám lá dừa nước chặt cho Ni một tàu nhỏ để Ni thắt cào cào, tết hoa chơi cho đỡ buồn. Đến vườn trúc xóm khác, má chọn một chỗ mát rượi, chặt lá lót xuống đất cho Ni ngồi lên, rồi cặm cụi đốn trúc, mà mắt má không rời chỗ Ni. Ni cũng nhớ những đêm nằm ngủ trong buồng, khuya lơ khuya lắc vẫn nghe tiếng dộng nan thúng đều đặn. Ni nhìn ra thì thấy má vẫn còn thức để làm thúng cho kịp ngày mai thương lái đến lấy.

Từ hồi lên thành phố học, Ni trở thành cô gái thị thành thông minh, bản lĩnh, có việc làm, lương bổng ổn định, về thăm má là Ni mua nào áo quần, nào đồ ăn, sữa uống… và cũng nhiều lần mong má thôi nghề đan đát cực nhọc, thảnh thơi hưởng tuổi già. Thế nhưng lần nào má cũng nói, nghề này đã gắn bó thành thói quen hằng ngày của má, không làm má thấy bứt rứt, thấy không khỏe. Nhớ tới những lời buông hồi chiều, lòng Ni quặn đau. Ni khẽ khàng đi tìm chị Thu nói xin lỗi chị, rồi ra nhà trước tìm má:

- Má tha thứ cho con nghen má! - Ni bùi ngùi nói.

Ni gục đầu vào đôi vai gầy guộc của má. Đêm mịt mờ. Vài cánh nhạn kêu trong đêm sương tạo thành thứ âm thanh quen thuộc miệt U Minh này, thanh âm khắc khoải, day dứt, để nhớ để thương trong lòng người xa xứ…

***

Ni vẫn nhớ lúc Ni còn học đại học, mỗi lần má lên thành phố thăm Ni, đều quảy theo chục thúng, chục rổ, mấy cái nia, cái dừng… Ni đón má ở bến xe, thấy má khệ nệ bưng chồng thúng rổ đã ràng chặt, Ni tếu táo:

- Chèn ơi, má đem chi mà nhiều dữ vậy, ở Sài Gòn chứ có phải ở quê mình đâu? Người ta hiện đại lắm, má ơi!

Má quệt mồ hôi, Ni đỡ giúp má chồng thúng rổ, má vừa cười vừa nói:

- Chứ đồ nan của má cũng có quê mùa cục mịch gì đâu. Má đem lên đây, sáng má ra chợ ngồi bán, được đồng nào hay đồng đó, người thành phố chắc quý đồ nan Cái Tàu!

Sáng sớm, Ni đến trường, má đi chợ, rao “Ai thúng rổ, đồ nan Cái Tàu hôn…”. Tiếng rao ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của Ni. Ni nhớ những ngày khi ba vừa mất, Ni theo má mang đồ nan qua chợ Thới Bình bán, đi bằng ghe từ khi trời còn chưa sáng, má chạy ghe lọc cọc, Ni nằm trong mui nghe tiếng sóng đánh vồ vập vào lườn ghe. Ghe vừa tới chợ thì trời sáng. Ni ngồi giữ ghe, má đem đồ lên chợ mời hàng, đến trưa thì hết, rồi hai má con lủi thủi ra về, vừa chạy ghe vừa quệt nước mắt nhớ những ngày còn ba, thể nào tan buổi chợ ba cũng rủ má với Ni ghé hàng hủ tiếu nóng hổi. Không còn ba, Ni với má cũng chẳng còn bụng dạ nào giữ thói quen cũ...

Đúng như má nói, người Sài Gòn thích đồ nan Cái Tàu, chẳng mấy chốc má đã bán sạch. Má nói với Ni:

- Con thấy chưa, đồ thủ công Cái Tàu có bao giờ ế?

Nay thì Ni cũng đã ra trường và rời Sài Gòn lâu rồi, để được gần má một chút, Ni về tỉnh gần nhà làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Ni cũng về nhà thường xuyên. Căn buồng của Ni trước kia má vẫn giữ, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.

***

Nghề đan dù biết khá rành nhưng Ni không nối nghiệp, cả anh hai của Ni nữa. Anh học và mê nghề nuôi thủy sản, cũng sống khấm khá với nghề. Nhưng những chiếc ghe mua thúng rổ vẫn dập dìu bến sông và xóm làng vẫn vang vang tiếng chẻ tre, chẻ trúc giòn giã. Bỏ nghề thì uổng. Cũng may chị Thu về làm dâu Cái Tàu, mến người, mến nghề truyền thống, chị Thu đã học cách đan đát, tỉ mỉ từng cọng nan cái rổ.

Đêm đổ dài trên dòng sông Cái Tàu. Ngoài xa, chiếc tàu chạy về muộn, nấn ná chỗ vàm sông thả khách hoặc thả hàng, rồi đi. Má, chị Thu và Ni đang ngồi dưới ánh đèn, mấy má con tỉ mẫn đan từng cọng nan vào mê thúng dang dở.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nghề đan