Nghề buôn từ xưa không được các triều đại phong kiến xem trọng. Chẳng những vậy, xã hội Việt Nam thời phong kiến còn xem thường những người làm nghề buôn bán. Họ gọi những người này là phường con buôn, bọn con buôn... Vì lẽ đó, nghề buôn đã không phát triển trong thời phong kiến ở Việt Nam.
Ngày xưa, người ta quan niệm rằng muốn tiến thân không có con đường nào khác ngoài con đường khoa cử. Chỉ có ở khoa cử mới làm nên danh giá con người, nâng bậc vị trí con người trong xã hội, mặc dù ai cũng biết rằng “phi thương bất phú”. Nhưng việc làm giàu do buôn bán lại không được xem trọng. Những người Nho học coi khinh việc làm giàu bằng con đường buôn bán, bởi vì họ quan niệm, làm giàu bằng nghề buôn là lừa gạt, là bất nhân, “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”.
Sau này nghề buôn được đánh giá cao hơn, được xã hội xem trọng hơn. Chuyện buôn bán và kinh nghiệm đã được người xưa đúc kết trong rất nhiều tục ngữ, ca dao. Trước tiên, muốn buôn bán trước hết phải có vốn “có bột mới gột nên hồ”. Lúc đầu vốn ít thì buôn bán nhỏ, sau này tích lũy được vốn nhiều thì buôn bán to. Nhưng có vốn lớn không phải là tất cả, mà người bán còn phải biết cách buôn bán, buôn bán sau cho lời nhiều, muốn vậy thì phải biết “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Muốn vậy phải chịu khó đi xa, đến tận nơi để bán thì mới bán được giá, chứ bán sang tay cũng chẳng lời nhiều. Ban đầu, nếu chưa có vốn thì đành chấp nhận cảnh “buôn gánh bán bưng”, “buôn thúng bán mẹt”, “buôn ngược bán xuôi”, thậm chí “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”, phải chịu vất vả “buôn Sở bán Tần”, hoặc:
Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi.
Vốn ít thì đành phải vất vả, chủ yếu là lấy công làm lời rồi sau đó mới tích lũy dần thành vốn to. Đó còn chưa kể lúc gặp phải cảnh “chợ chưa họp kẻ cắp đã đến”. Việc buôn bán đâu phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, “mua may bán đắt” mà thất thường từng lúc như “buôn trầu gặp nắng, buôn đàng gặp mưa”, hoặc:
Đắt hàng những
ả cùng anh
Ế hàng gặp những thong manh
quáng gà.
|
Chợ lợn ở miền Bắc. Ảnh: TƯ LIỆU |
Kiếm được đồng tiền đâu phải là chuyện dễ, nhiều khi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chứ chẳng phải chuyện chơi. Nhưng như thế vẫn còn đỡ hơn những kẻ “bán mồm nuôi miệng”, “ăn như rồng uống, uống như rồng leo, làm như mèo mửa” hoặc giả những kẻ không làm được việc gì mà chỉ toàn khoác lác kiểu “bán trời không mời Thiên lôi”, “bán nắng cho trời, bán sấm cho Thiên Lôi”, nhưng thực ra chẳng làm được trò trống gì.
Khi đã chịu khó “buôn gánh bán bưng” một thời gian, tích lũy được số vốn lớn, người ta sẽ chuyển sang buôn bán lớn, bởi vì chỉ có buôn bán lớn mới có được lời to. Nhưng người buôn bán cũng phải dè chừng, bởi vì “thuyền lớn thì sóng lớn”, do đó người buôn bán phải tính toán kỹ, phải lao tâm khổ tứ nhiều việc so với lúc đầu buôn bán nhỏ:
Ông cả nằm trên sập vàng, cả ăn
cả mặc, lại càng cả lo
Ông bếp nằm trong xó tro, ít ăn, ít mặc,
ít lo, ít làm.
Nghệ thuật trong buôn bán ngoài việc biết chọn loại hàng còn phải biết chọn địa diểm để buôn bán. Đó là những nơi phải thuận lợi cho người tiêu dùng đến mua, “nhất cận thị, nhị cận giang”. Buôn bán ở chợ có đông đúc người qua lại, gần sông, nơi tấp nập người lên kẻ xuống thì mới có thể “buôn gặp chầu, câu gặp chỗ”, “buôn một bán mười”... Bên cạnh đó, người đi buôn cũng không nên đi buôn bán một mình vì dễ bị chèn ép về giá cả, mà phải “buôn có hội, bán có thuyền”.
Những người buôn bán khôn ngoan thì chẳng bao giờ “mua trâu, bán chả”, “mua vải bán áo” - nghĩa là đầu tư lớn nhưng thu lời về nhỏ giọt, không tương xứng với số vốn đã bỏ ra. Hoặc giả, buôn bán mà không biết nghiên cứu thị trường, không biết tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng thì chẳng khác nào “bán quạt mùa đông, buôn hồng mùa hè”. Do đó, buôn bán ngoài việc có đồng vốn, có nghệ thuật buôn bán còn phải có kinh nghiệm nữa. Chẳng hạn như, “bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa” vì thời tiết ấy bán không được giá... Buôn bán thì phải nghĩ đến đồng lãi, nhưng “ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi” để còn giữ mối làm ăn lâu dài. Hoặc giả, “trong vốn thì nài, ngoài vốn thì buôn” để làm sao vừa thu được lời vừa không làm mất khách.
Muốn gì thì muốn, trong việc buôn bán phải biết tính toán, không những thế mà còn phải tính kỹ nữa, bởi vì “lộn con tán bán con trâu”, “bút sa gà chết”; không nên “bán bò tậu ễnh ương, bán bò mua dê về cày”, “mua quan tám, bán quan tư”. Và điều quan trọng nữa là phải biết tiết kiệm, chứ không phải “có đồng nào xào đồng ấy”, “bóc ngắn cắn dài” thì có ngày cũng sập tiệm, có khi phải “bán vợ đợ con” để trả nợ. Cho nên, từ ngày xưa ông bà ta đã dạy “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. “Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có”, “năng nhặt chặt bị” đã tích lũy được nhiều tiền rồi thì phải biết dùng số vốn đó để đầu tư thêm cho công ăn việc làm để sinh thêm đồng lời nữa. Bởi vì “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ” còn nếu không thì cũng chẳng qua là “tiền dư thóc mục”.
Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã biết coi “khách hàng là thượng đế” rồi. Vì vậy, người ta thường rỉ tai nhau “bán hàng chiều khách”, “bán rao chào khách”. Người buôn bán nét mặt phải tươi cười, nói năng phải nhỏ nhẹ, hòa nhã, khéo léo chiều khách để vừa lòng khách, để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, bởi vì “lời nói quan tiền, thúng thóc”, chứ không ai bán hàng mà lại nói với khách theo kiểu “bầu dục chấm mắm cáy” thì buôn bán làm sao thành công được. Bên cạnh đó, người buôn bán rút ra kinh nghiệm “bán chịu mất mối hàng”, cách tốt nhất trong buôn bán là “tiền trả mạ nhổ”, “tiền trao cháo múc”... trừ những mối làm ăn lâu năm, có uy tín thì họa may còn cho thiếu chịu được, chứ ngoài ra thì không nên. Trong buôn bán người xưa cũng khuyên không nên “bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ” mà chỉ nên “thuận mua vừa bán” để giữ được khách để mà làm ăn lâu dài, bởi vì “quen mặt đắt hàng”.
Trong những tình huống làm ăn không thuận lợi, thì kinh doanh trong nhiều trường hợp phải biết chấp nhận thất bại, chấp nhận lỗ để tuôn hàng ra mà sớm thu hồi đồng vốn về, vì vậy, có những trường hợp ngoài ý muốn thì người kinh doanh phải biết “bán rẻ còn hơn đẻ lãi”, “chẳng được ăn cũng lăn được vốn” chứ không phải chỉ biết ngâm hàng đợi đến lúc giá lên.
Một điều quan trọng trong buôn bán làm ăn là phải biết giữ chữ tín chứ không thể “ăn xổi ở thì” được. Thiếu nợ thì phải trả nợ, nói một là một, hai là hai, mua chịu phải nhớ, chứ không nên ăn quịt:
Mất trâu thì lại tậu trâu
Những quân cướp nợ có giàu hơn ai.
Muốn làm ăn lâu dài với nhau thì đừng quên “có qua có lại mới toại lòng nhau”, chứ không phải chỉ bo bo thủ lợi một mình. Bên cạnh đó, người buôn bán cũng phải biết giữ đạo đức trong kinh doanh. Không thể chấp nhận một ai đó làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, “bán mướp đắng giả làm bầu”, “bán mạt cưa giả làm cám”...
Đâu phải chỉ có việc người bán mới cần có kinh nghiệm, mà người mua cũng cần phải có kinh nghiệm, có nghệ thuật mua nữa, nếu không sẽ mua lầm, sẽ chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Hoặc không khéo thì “tiền chinh mua cá thối”, chỉ có những kẻ dại dột mới:
Vàng mười chê đắt không mua
Mua lấy vàng bảy thiệt thua
trăm đường.
Các mặt hàng phổ biến ngày xưa đều được người tiêu dùng truyền đạt kinh nghiệm để mà lựa chọn cho được miếng ngon, hàng tốt:
Mua thịt thì chọn miếng mông
Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.
Hoặc:
Mua cá thì phải xem mang
Mua bầu xem cuống mới toan
không lầm.
Hay: “mua trâu xem sừng, mua chó xem chân”. Thường thường thì “mua nhầm, bán không nhầm” cho nên người mua phải cẩn thận, lựa chọn kỹ, phải biết mặc cả, biết thêm bớt để “mua thì thêm, nêm thì nhặt”...
Ca dao, tục ngữ nói lên những kinh nghiệm, những nghệ thuật, những phương thức... kinh doanh của cha ông. Lẽ dĩ nhiên, mỗi thời mỗi khác, việc kinh doanh ngày nay không giống như ngày xưa, nhưng những gì được lưu truyền qua ca dao, tục ngữ sẽ mãi mãi là bài học hữu ích đối với những ai quan tâm đến chuyện kinh doanh.
Trần Quang Diệu
* Những câu tục ngữ - ca dao dẫn trong bài được trích từ “Doanh nghiệp Việt Nam xưa và nay” của tác giả Lê Minh Quốc. NXB Trẻ - 2004.