14/12/2008 - 20:26

Đồng bằng sông Cửu Long

Ngành công thương bắt tay hợp tác cùng phát triển

Một góc Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Một trong những nguyên nhân đã được xác định từ lâu làm cho sự chậm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng chưa được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ đó, dẫn đến sự đầu tư trùng lắp, dàn trải và không đồng bộ nên không phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng cũng như lợi thế riêng của từng địa phương. Việc ngành công thương TP Cần Thơ vừa ký kết liên kết hợp tác với 7 tỉnh trong khu vực ĐBSCL là tín hiệu vui, cho thấy vấn đề liên kết, hợp tác giữa các địa phương đã ngày càng được cụ thể hóa.

YÊU CẦU CẤP THIẾT

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của ĐBSCL ước đạt trên 98.811 tỉ đồng, tăng 18,3% so với năm 2007. Trong vùng có 92.000 cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 571.000 lao động. Đến tháng 10-2008, ĐBSCL đã thu hút 415 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 7,4 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2008 ước đạt 5,154 tỉ USD, tăng 23,41% so với năm 2007. Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng giai đoạn (2003-2007) đạt 15,78 tỉ USD. Tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2003-2007 là 19,40%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc... Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu 2 mặt hàng là thủy sản và gạo, chiếm 98% tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trung bình của vùng ĐBSCL giai đoạn (2003-2007) tăng bình quân 20%/năm. Còn năm 2008, ước mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 188.498 tỉ đồng, tăng 34% so với năm trước. Nếu vào thời điểm năm 2004 toàn vùng chỉ có 1 siêu thị và 1 trung tâm thương mại thì nay đã có 15 siêu thị và 5 trung tâm thương mại. Ngoài ra, toàn vùng còn có 1.700 chợ.

Những con số trên cho thấy tình hình phát triển công nghiệp và thương mại của ĐBSCL đạt được những kết quả khả quan trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ĐBSCL là hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. Nguồn nhân lực cung cấp chưa đáp ứng nhu cầu cả về nhân lực quản trị cấp cao và thợ có tay nghề. Các cảng biển, cảng hàng không quy mô còn nhỏ làm môi trường đầu tư chưa thật hấp dẫn, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập. Đặc biệt, chưa có sự gắn kết, phối hợp tốt giữa các tỉnh, thành trong vùng. Do đó, hiệu quả đầu tư chưa cao, đầu tư trùng lắp, dàn trải, chưa tận dụng tối đa lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành. Nói cách khác là chưa có sự phân công khoa học và hiệu quả trong đầu tư toàn vùng.

Trước yêu cầu cấp thiết của việc liên kết, hợp tác trong vùng, Sở Công Thương TP Cần Thơ vừa ký kết thỏa thuận với sở công thương của 7 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang về hợp tác phát triển ngành công thương giai đoạn (2008-2009). Theo đó, các bên sẽ tăng cường liên kết và hợp tác với nhau về phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến nông thủy sản, với các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Ngoài ra, liên kết phát triển các ngành công nghiệp khác như: dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng, dược phẩm, cơ khí, hàng tiêu dùng... Hợp tác trong trao đổi thông tin và kinh nghiệm về công tác quản lý, thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu công nghiệp... Liên kết xây dựng và phát triển các công ty thương mại kinh doanh và bán buôn chuyên nghiệp để đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân; xây dựng và phát triển các công ty kinh doanh bán lẻ chuyên nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp nông thôn; liên kết trong xây dựng mạng lưới thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ); đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh xuất khẩu... Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Mục tiêu quan trọng của việc liên kết, hợp tác nhằm đảm bảo cho vùng có sự phát triển đồng bộ và bền vững, phát huy được hết các tiềm năng và thế mạnh. Giúp cho các địa phương trong vùng tạo ra thế và lực mới trong khai thác thế mạnh của từng địa phương và hỗ trợ nhau cùng phát triển”.

LIÊN KẾT SÂU RỘNG

Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với một số tỉnh, thành trong khu vực, nhưng sự liên kết này chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác quản lý Nhà nước, xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi mong các tỉnh, thành trong vùng cũng như các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết sâu rộng hơn và có được tiếng nói chung”.

Cũng như nhiều tỉnh khác trong vùng, điều kiện cơ sở vật chất của tỉnh Bạc Liêu hiện còn nhiều hạn chế, nhưng địa phương này có nhiều thế mạnh về công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, hệ thống chợ, siêu thị... Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, hiện địa phương đang nuôi trồng và khai thác trên 200.000 tấn thủy sản/năm, nhưng công suất chế biến của các nhà máy thủy sản trong tỉnh chưa đạt tới 40.000 tấn/năm. Tỉnh cũng đã có các khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp song số lượng nhà đầu tư vào còn hạn chế. Tương tự, về phát triển du lịch và hệ thống chợ hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Tỉnh cũng đang gặp nhiều hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề. Do đó, nếu có sự liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp trong vùng, các tiềm năng trên chắc chắn sẽ được khai thác tốt, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương. Ông Phan Hùng Việt, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, nhận xét: “ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng đáng buồn là đang phát triển khá chậm so với nhiều vùng miền khác. Sự phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng hiện không đồng đều. Theo tôi, để có thể phát huy được thế mạnh tổng hợp của vùng, TP Cần Thơ sẽ nắm vai trò chủ công, làm đầu tàu và là cầu nối của các tỉnh, thành trong vùng. Có như vậy, ĐBSCL sẽ có động lực mới để tăng tốc phát triển”.

Theo ngành công thương, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL chủ yếu là lúa gạo, thủy sản, chưa có nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, hệ thống siêu thị còn mỏng, việc giao thương chủ yếu còn dựa vào hệ thống chợ truyền thống. Hầu hết các tỉnh còn hạn chế trong việc thu hút đầu tư, yếu kém về nguồn nhân lực... Để khắc phục những hạn chế trên, các tỉnh, thành trong vùng cần có sự liên kết chặt hơn nữa. Có sự phân công trong lao động và sản xuất cho phù hợp, hướng đến sự phát triển bền vững. Cùng nhau khắc phục các hạn chế để cùng phát triển, như thế mới phát huy động lực và thế mạnh chung của vùng cũng như lợi thế so sánh riêng của từng tỉnh. Ông Lê Tấn Lực, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, nói: “Các doanh nghiệp ở ĐBSCL có quy mô và vốn đầu tư thuộc loại khá nhỏ với doanh nghiệp của các vùng, miền khác. Do đó, các DN trong vùng cần liên kết lại để tạo sức mạnh chung. Để làm được điều này, trước hết, các Sở Công Thương và hiệp hội doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong vùng phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau và làm tốt vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp”.

KHÁNH TRUNG

Một góc Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết