20/09/2012 - 21:26

Ngẩn ngơ trước “Thiên đường ruộng bậc thang”

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Những ai một lần đến Hoàng Su Phì - huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang - không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt ngắm lớp lớp thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh những sườn núi như những chiếc thang lên thiên đường. Một bức tranh tuyệt mỹ được con người vẽ trong không gian bao la và hùng vĩ của đất trời, thiên nhiên vùng cao biên giới.
"Thiên đường ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì vừa được công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia.

Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có những nét độc đáo khác hẳn với ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái) hay Sa Pa (Lào Cai). Những ngôi làng nằm xen kẽ giữa những thềm bậc thang khiến bức tranh thiên nhiên duyên dáng hơn.

Muốn lên Hoàng Su Phì, du khách đi từ Hà Giang theo hướng Tuyên Quang. Đến ngã ba Tân Quang cách thành phố Hà Giang 35 cây số, rẽ phải và vượt qua những đồi núi thêm 60 cây số nữa là tới nơi. Hoàng Su Phì nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, không khí gần như lành lạnh quanh năm. Đây là một nhánh của cao nguyên đá Đồng Văn nhưng đất đai phì nhiêu, ít có đá tai mèo như Đồng Văn, Mèo Vạc. Dù vậy, địa hình Hoàng Su Phì vẫn hiểm trở. Cách đây khoảng một thế kỷ, Hoàng Su Phì là những đồi núi với cây rừng ngút ngàn. Người dân bản địa đã khai phá rừng trồng lúa, hình thành nên những nấc thang ruộng đầu tiên. Trải qua hàng chục năm với nhiều đời khai phá, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trở thành kiệt tác thiên nhiên do con người tạo nên.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có diện tích gần 800 ha, tập trung chủ yếu ở Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty và nằm rải rác ở 19 xã khác trong huyện. Từ thung lũng hẹp đến đồi núi thấp và ngược dốc lên đồi núi cao, cung đường đến "thiên đường ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì là một thách thức đối với những tài xế. Rất nhiều người, trong đó có du khách nước ngoài, đến Hoàng Su Phì bằng xe gắn máy. Họ tự lái xe và tự do ngắm cảnh. Qua cung đường này, đôi lúc thời gian như dừng lại bởi vẻ đẹp của thiên nhiên lôi cuốn. Trên những đồi núi cao là những rừng thông. Ở triền núi là những thửa ruộng nối tiếp, chồng chất lên nhau. Ngắm ruộng bậc thang ở vị trí nào cũng đẹp. Từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên hay nhìn ngang tầm mắt, ruộng bậc thang đều mang một vẻ đẹp thuần khiết.

Mùa lúa chín vàng thường vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Khi đó, màu xanh của mạ non ngày nào chuyển sang vàng rực rỡ. Cứ đến mùa vàng, du khách trong Nam ngoài Bắc, du khách quốc tế lại đổ xô lên Hoàng Su Phì ngắm lúa. Ở đây, chỉ có hai nhà nghỉ, quy mô 20-30 phòng. Khách đến đông, người ta phải chen nhau ở. Ngủ như nêm nhưng vui và ấm cúng, miễn sao có mặt ở đây vào thời điểm đẹp nhất trong năm, tức vào mùa vàng. Mùa lúa đi qua, thì Hoàng Su Phì tiếp tục khoác chiếc áo mới với mùa hoa tam giác mạch, hoa cải vàng… Du khách lại có thêm lý do để đến Hoàng Su Phì lần nữa trong năm khi tiết trời chuyển từ thu sang đông và cả mùa đông lạnh giá.

Người dân bản địa tự hào mình có ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam và là một trong những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Đông Nam Á. Người ta đã khai khẩn rừng rú, đá núi bằng chính sức lực của mình để tạo ra những thửa ruộng bậc thang này. Với du khách, ruộng bậc thang là "đặc sản" du lịch. Cùng với cột cờ Lũng Cú, công viên địa chất Đồng Văn, những chợ phiên ở lưng chừng núi, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trong chuỗi điểm đến của du lịch Hà Giang. Ngày 16-9-2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia như một sự tôn vinh công sức lao động của bao thế hệ các dân tộc bản địa. "Thiên đường ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì không còn là điểm đến xa xôi. Những người yêu thiên nhiên, yêu bức thổ cẩm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đều mong mỏi giữ nguyên thiên nhiên thuần khiết. Đừng thương mại hóa làm biến dạng Hoàng Su Phì để nơi đây mãi là điểm đến thú vị của du khách.

Bài, ảnh: THANH NHÀN

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Chia sẻ bài viết