26/11/2010 - 21:43

Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá, vẫn khó !

Cứ đến thời điểm gần cuối năm, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu lại rộ lên. Địa bàn TP Cần Thơ tuy không có cửa khẩu, biên giới, nhưng tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu từ An Giang về Cần Thơ vẫn diễn biến phức tạp. Một số người mặc dù bị xử lý hành chính nhiều lần về hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, nhưng vì lợi ích trước mắt, họ vẫn tiếp tục lao vào con đường phạm pháp...

 Lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ đang kiểm tra số thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Cần Thơ (BCĐ 127), không ít người đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ cho khu vực kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở để thực hiện các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu. Tại khu vực biên giới An Giang, những người buôn lậu tìm mọi cách đưa hàng từ Campuchia vào Việt Nam, rồi từ An Giang, hàng cấm, hàng nhập lậu được tuồn về Cần Thơ để tiêu thụ từ số lượng lớn tới nhỏ lẻ. Mặc dù tình hình này không còn công khai như trước đây, nhưng thực chất vẫn ngấm ngầm hoạt động và diễn biến ngày càng phức tạp. Những đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá, vẫn tiếp tục sử dụng các thủ đoạn thông thường như: lợi dụng đêm tối, giờ cao điểm để hoạt động tại bến xe, các trung tâm thương mại nên các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó các đối tượng này còn cắt cử người theo dõi lực lượng chức năng, dùng điện thoại di động liên lạc để thông báo cho đồng bọn tìm cách trung chuyển hàng hóa đi nơi khác cất giấu...

Mặt khác, từ khi Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ ban hành, đưa mặt hàng thuốc lá điếu vào danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh và chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khối lượng lớn từ 100 triệu đồng trở lên, nên những đối tượng chuyên sống bằng nghề buôn bán thuốc lá nhập lậu đã chia nhỏ số hàng hóa và vận chuyển hết đợt hàng này đến đợt hàng khác, cơ quan chức năng cũng chỉ xử lý được ở mức xử phạt hành chính. Ngày 7-5-2009, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, trong đó đưa thuốc lá ngoại vào lại danh mục hàng cấm kinh doanh. Khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá không còn rầm rộ, nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động. Ngày 1-9-2010, Nghị định 76/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu và thuốc lá có hiệu lực thi hành, quy định về việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những đối tượng buôn thuốc lá bắt đầu chuyển hướng hoạt động, không vận chuyển, buôn bán, tàng trữ với số lượng lớn hơn 1.500 gói mà chỉ chia nhỏ lẻ số hàng và vận chuyển ít một. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ “bỏ của chạy lấy người”, những gói thuốc lá nhập lậu này là vô chủ.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố truy tố 2 đối tượng về tội buôn bán hàng cấm. Đây là 2 vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu bị truy tố đầu tiên, kể từ khi thuốc lá ngoại được đưa lại vào danh mục hàng cấm kinh doanh. Ngày 6-10-2010, tại lộ tẻ Rạch Giá (quận Thốt Nốt), lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ phối hợp với Trạm cảnh sát giao thông lộ tẻ Thốt Nốt đã dừng xe khách chạy tuyến Cần Thơ- Châu Đốc và ngược lại để kiểm tra. Xe khách này do Võ Thị Thanh Phương (ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) quản lý. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 1.701 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Phương chỉ khai nhận mua 560 gói thuốc lá của người lạ tại bến xe Châu Đốc. Sợ bị phát hiện, Phương bó trong người 300 gói, còn 260 gói, Phương để vào giỏ xách để dưới chỗ ngồi. Số thuốc lá còn lại, Phương cùng tài xế và phụ lơ đều không thừa nhận mà cho rằng của khách đi xe bỏ lại nên không biết của ai. Phương khai báo, do xe khách gần đây bị ế ẩm , không có khách nên Phương mua thuốc lá ngoại về Cần Thơ bán lại để kiếm lời. Hoạt động được 20 ngày, mỗi ngày mua từ 300 gói đến 560 gói, mỗi chuyến như vậy Phương lời từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. Được biết, trước đó, Phương đã dùng xe mô tô vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu từ Châu Đốc về Long Xuyên và bị Công an huyện Châu Phú, An Giang kiểm tra, xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh.

Trong một vụ án khác, Nguyễn Thị Lệ (ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cũng với thủ đoạn tương tự đã vận chuyển 2.390 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Nhưng tại cơ quan điều tra, Lệ chỉ thừa nhận có mua bán, vận chuyển 600 gói. Sau khi mua ở bến xe Châu Đốc, Lệ cẩn thận gói trong bọc đen và cất giấu trong cốp xe, dự kiến đem về Cần Thơ bán lấy lời. Còn số thuốc lá còn lại, được quấn trong đống quần áo cũ, Lệ cho rằng chỉ biết có người gởi hàng quần áo chứ không biết có thuốc lá trong đó. Ngoài ra, trước đó Lệ nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại và kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.

Chỉ với 2 vụ việc bị truy tố này đã thấy các đối tượng chuyên mua bán thuốc lá ngoại nhập lậu rất coi thường các quy định của pháp luật. Mặc dù, biết Nhà nước cấm, có thể bị phạt nặng, có thể bị xử lý hình sự nhưng các đối tượng vẫn cố tình vi phạm làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước.

10 tháng đầu năm 2010, các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 358 vụ vận chuyển, mua bán hàng cấm, 296 vụ kinh doanh hàng nhập lậu. Trong đó, số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là 463.175 gói, đã tiêu hủy 367.494 gói, trị giá khoảng 3,3 tỉ đồng. Theo BCĐ 127, công tác kiểm tra, kiểm soát có phát hiện buôn lậu lớn, nhưng chưa phát hiện xử lý nhiều đối tượng buôn lậu lớn, cũng như đối với đường dây tổ chức buôn lậu, hàng giả và gian lận trên địa bàn thành phố; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi để trốn tránh, nhất là mặt hàng thuốc lá cấm kinh doanh theo Nghị định 76/2010/NĐ-CP, các đối tượng vận chuyển dưới 1.500 gói, xé lẻ rất khó xử lý hình sự, trong khi lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

BCĐ 127 Trung ương chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 trên thị trường nội địa: lực lượng quản lý thị trường chủ trì tập trung vào các địa bàn trọng điểm, trong đó có Cần Thơ; phối hợp với lực lượng công an xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương nhằm kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Song song đó, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như: rút giấy phép kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết