01/10/2022 - 20:22

Nga và phương Tây leo thang căng thẳng tới đâu? 

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Việc Tổng thống Vladimir Putin đã ký các hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia  (chiếm hơn 90.000 km2, tức 15% lãnh thổ của Ukraine) vào Nga đang tạo ra bước ngoặt leo thang căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây, nhất là khả năng Mát-xcơ-va sử dụng vũ khí hạt nhân chống Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và các nhà lãnh đạo 4 tỉnh của Ukraine tại buổi lễ ký kết sáp nhập vào Nga hôm 30-9. Ảnh: AP

Khi đã trở thành một phần của lãnh thổ Liên bang Nga, các thực thể mới sẽ được Mát-xcơ-va  bảo vệ theo quy chế an ninh quốc gia. Ðiện Kremlin tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ mới đều sẽ bị coi là hành động tấn công vào nước Nga. Tổng thống Putin cam kết sẽ sử dụng  “mọi phương tiện sẵn có” để  bảo vệ các vùng lãnh thổ mới như là cách đe dọa dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công từ bên ngoài, hàm ý là từ Ukraine.

Thêm đòn trừng phạt

Trong tuyên bố chiều 30-9 sau khi nhà lãnh đạo Nga ký các hiệp ước sáp nhập 4 vùng của Ukraine cùng thông điệp cứng rắn nói trên, Tổng thống  Joe Biden nhấn mạnh “Mỹ và các đồng minh sẽ không sợ hãi trước những lời đe dọa liều lĩnh” của ông Putin. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhắc lại tuyên bố trước đây rằng “Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ cùng với các đồng minh NATO bảo vệ từng tấc đất của NATO”.

Bộ Tài chính Mỹ thì công bố các lệnh trừng phạt gần 300 nghị sĩ Nga cùng các công ty, cá nhân liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina. Nữ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng đây là động thái “nhanh chóng và nghiêm khắc nhằm làm suy yếu hơn nữa năng lực của ngành công nghiệp phức hợp quân sự của Nga phục vụ cho cuộc chiến bất hợp pháp”. Bà Yellen cho biết chiến dịch cấm vận trước đây do Mỹ dẫn đầu đến nay đã “tàn phá khả năng của Nga trong việc tiếp cận các thành phần và công nghệ quân sự nước ngoài” và hậu quả là ngành công nghiệp quốc phòng Nga không thể hỗ trợ cho các nỗ lực chiến tranh, phải nhờ các nhà cung cấp và trung gian thứ ba”. Phát biểu này của bà Yellen có thể nhằm ám chỉ các báo cáo cho rằng Nga phải mua máy bay không người lái của Iran, hay mua đạn pháo và tên lửa của Triều Tiên - điều mà Mát-xcơ-va đã phủ nhận.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các lệnh trừng phạt mới là một lời cảnh báo rõ ràng rằng sẽ có “cái giá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia nào cung cấp hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho Nga trong nỗ lực bất hợp pháp nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bổ sung hơn 900 người liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine vào danh sách hạn chế visa nhập cảnh vào Mỹ.

Bộ Ngoại giao Anh thông báo đã áp đặt phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời cấm xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ nhằm vào “các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga”. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định bổ sung 89 mặt hàng, trong đó có nguyên vật liệu và thiết bị dùng để chế tạo vũ khí hóa học, vào danh sách hàng hóa và công nghệ không được phép xuất khẩu sang Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC)  về gói các biện pháp trừng phạt thứ 8 và về cơ bản đạt nhất trí chung. Dự kiến, quyết định cuối cùng sẽ được thông qua vào tuần tới.

Ukraine lại “gõ cửa” NATO

Ngoài những đòn trừng phạt mới, các chuyên gia cho rằng Mỹ và các đồng minh khó nhanh chóng kết nạp Ukraine gia nhập NATO theo đơn yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 30-9. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng tiến trình gia nhập NATO của Ukraine nên được xem xét ở một thời điểm khác thích hợp hơn. Theo ông, con đường tốt nhất bây giờ đối với Mỹ và đồng minh là tiếp tục hỗ trợ thực tế và thực địa cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng từ chối đưa ra quan điểm rõ ràng khi được hỏi bà có ủng hộ đẩy nhanh kết nạp Ukraine vào NATO hay không.  Bà chỉ khẳng định Mỹ cam kết tiến trình dân chủ ở Ukraine và ủng hộ một sự “đảm bảo an ninh” cho Kiev.

Thật ra, Ukraine đã “gõ cửa” NATO sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, tiêu chuẩn gia nhập NATO của Ukraine cho tới bây giờ vẫn khó được đáp ứng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu NATO đột ngột thúc đẩy kết nạp Ukraine chẳng khác nào là bước chuẩn bị đối đầu trực tiếp nguy hiểm với Nga.

Trong khi không ủng hộ Ukraine mau chóng gia nhập NATO, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gây chú ý khi tiết lộ rằng Washington vẫn trực tiếp giao thiệp với Mát-xcơ-va  về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ông cho biết dù vẫn có rủi ro nhưng đến nay Mỹ không thấy chỉ dấu nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân sắp xảy ra.

Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) hôm 30-9 nhằm bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết lên án các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp của 4 khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine, có 10  phiếu ủng hộ, 4 phiếu trắng (gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil và Gabon) và 1 phiếu phủ quyết của Nga. Như vậy, nghị quyết đã không được thông qua.

Ðại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia bảo vệ các cuộc trưng cầu dân ý nói trên, tuyên bố rằng hơn 100 quan sát viên quốc tế từ Ý, Ðức, Venezuela và Latvia - những người đã theo dõi cuộc bỏ phiếu và công nhận kết quả là hợp pháp. “Kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý tự nói lên điều đó. Cư dân của những vùng này không muốn quay trở lại Ukraine. Họ đã đưa ra một lựa chọn sáng suốt và tự do có lợi cho đất nước của chúng tôi”, ông Nebenzia quả quyết.

Giải thích cho quyết định bỏ phiếu trắng của mình, Ðại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nói rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được bảo toàn nhưng Trung Quốc tin rằng HÐBA cần phải nỗ lực xoa dịu khủng hoảng thay vì làm gia tăng xung đột và đối đầu. Ðại sứ Brazil Ronaldo Costa Filho nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý trên không thể được coi là hợp pháp nhưng dự thảo nghị quyết của HÐBA  không góp phần làm giảm căng thẳng và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ bài viết