11/07/2016 - 09:56

Nga tìm đường trở lại Đông Nam Á

Nhật báo Phố Wall mới đây cho biết, Nga đang tái xây dựng hình ảnh tại Đông Nam Á bằng chính sách ngoại giao mới, các cuộc tập trận hải quân, những thỏa thuận mua bán vũ khí và năng lượng trong bối cảnh Mát-xcơ-va tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và khôi phục ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Do nền kinh tế đang chìm sâu trong suy thoái vì giá dầu giảm mạnh và những biện pháp trừng phạt của phương Tây xung quanh vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Nga buộc phải tìm kiếm cơ hội mới ở khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 nước thành viên có tổng GDP 2,6 nghìn tỉ USD đang là "thị trường màu mỡ" cho những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga như dầu khí, công nghệ năng lượng và vũ khí. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga- ASEAN tại Sochi, tạo cơ hội cho những thỏa thuận kinh doanh và thương mại mới.

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: WSJ

Cuối những năm 1980, Liên Xô đạt đến đỉnh cao về sức mạnh hải quân tại Thái Bình Dương khi triển khai 2 tàu sân bay và lượng tàu ngầm có mặt ở đây nhiều hơn số tàu ngầm của cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 90, Nga đã rút dần sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới. Giờ đây, Mát-xcơ-va đang khôi phục các mối quan hệ quân sự ở Đông Nam Á và rộng hơn là toàn khu vực. Ian Storey tại Viện Iseas Yusof Ishak ở Singapore cho biết, khủng hoảng kinh tế khiến Nga đang đẩy nhanh chiến lược này. Chẳng hạn, Nga đã tham gia hai cuộc tập trận Komodo do Indonesia dẫn đầu hồi năm 2014 và trong tháng 4 vừa qua. Cuối năm ngoái, Nga cũng đã đưa tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại tới khu vực này.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ - Đô đốc Harry Harris mới đây nói rằng những động thái trên cho thấy "một nước Nga quyết đoán", và việc giới thiệu tàu ngầm mới là tín hiệu chứng tỏ Mát-xcơ-va rất coi trọng Đông Nam Á.

Hiện Nga đang đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu mua sắm vũ khí của các nước trong khu vực để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, doanh thu bán vũ khí của Nga cho Đông Nam Á đã tăng hơn hai lần lên tới gần 5 tỉ USD. Trong thời gian này, Đông Nam Á mua 15% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Nga, tăng mạnh so với mức 6% giai đoạn trước đó.

Veronika Novoseltseva, tham tán Đại sứ quán Nga ở Thủ đô Jakarta của Indonesia, cho biết quan hệ giữa Nga và khu vực "đang tiến triển" và ngày càng đạt được "nhiều kết quả cụ thể ở nhiều lĩnh vực". Theo bà Novoseltseva, một làn sóng mới các doanh nghiệp Nga hoạt động tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang chuyển từ trọng tâm trước đây là sản xuất nông sản và nguyên liệu thô sang lĩnh vực công nghệ cao, như hàng không và vệ tinh.

Hiện tại Indonesia, tập đoàn năng lượng Rosneft đang có kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 14 tỉ USD mà Rosneft hy vọng sẽ tạo ra thị trường mới cho lĩnh vực dầu khí của Nga. Rosneft mới đây còn cho biết đã thành lập một chi nhánh ở Singapore để thiết kế các giàn khoan dầu ngoài khơi. Trong khi đó, Cơ quan năng lượng hạt nhân liên bang Nga (Rosatom) đang đàm phán với Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Indonesia xung quanh việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại các nước này.

TRÍ VĂN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết