05/10/2011 - 09:20

Nga muốn xây dựng "Liên minh Âu-Á"

 

Trong bài viết đăng trên báo Izvestia ngày 4-10, Thủ tướng Nga Vladimir Putin (ảnh) nói ông muốn đưa những nước từng là thành viên của Liên bang Xô-viết vào cái mà ông gọi là “Liên minh Âu-Á”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây không phải là một Liên Xô mới.

Thủ tướng Putin cho biết liên minh mới được xây dựng trên cơ sở Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất gồm ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan, vốn cho phép dỡ bỏ mọi rào cản về thương mại và thuế quan kể từ năm tới. “Chúng ta sẽ không dừng lại ở đó và đang thiết lập một mục tiêu tham vọng hơn – đó là đạt mức độ thống nhất cao hơn trong Liên minh Âu-Á”, ông Putin viết. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh liên minh này cũng không thay thế Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), mà là “sợi dây” ràng buộc hiệu quả giữa khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới sự phối hợp chặt chẽ về chính sách kinh tế và tiền tệ.

Thủ tướng Putin, người từng gọi sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết năm 1991 là “thảm kịch địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20”, cho biết dự án của ông không phải là xây dựng một Liên Xô mới. Ông khẳng định “sẽ là ngây thơ” nếu có ý định khôi phục hoặc sao chép điều gì đó từ quá khứ. Tuy nhiên, theo ông Putin, một sự hội nhập mạnh mẽ hơn trên một cơ sở chính trị và kinh tế mới và một hệ thống những giá trị mới là một điều bắt buộc trong thời điểm hiện tại. Nga hoan nghênh các đối tác khác tham gia liên minh này, trước hết là các quốc gia SNG, nhưng Mát-xcơ-va không thúc ép bất cứ nước nào, vì đây là quyết định của một quốc gia có chủ quyền.

“Một sự thống nhất mạnh mẽ hơn trên một nền tảng chính trị và kinh tế mới và một hệ thống các giá trị là yêu cầu cấp bách trong kỷ nguyên của chúng ta”, ông nhấn mạnh. Mối quan hệ giữa Nga với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ từng lâm vào bế tắc do những tranh cãi về thương mại và chính trị, thậm chí dẫn đến xung độc vũ trang như cuộc chiến với Gruzia năm 2008. Nhưng Putin cho biết ông xem liên minh mới như một thể chế siêu quốc gia, trong đó, các thành viên sẽ hợp tác với nhau về “chính sách kinh tế và tiền tệ”. Liên minh này cũng sẽ rộng cửa đón các thành viên mới, chẳng hạn như các nước ở Trung Á Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trong bài báo của mình, ông Putin trách Ukraina đã sớm lên tiếng bày tỏ quan điểm sẽ đứng ngoài Liên minh Âu-Á với lý do nước này có những cam kết ràng buộc với châu Âu. Một số nước láng giềng với Nga cũng không có ý định gia nhập bởi liên minh mới đi ngược lại chính sách của họ trong xây dựng quan hệ với châu Âu. Về vấn đề này, ông Putin cho rằng đó là “một sự lựa chọn sai lầm”. Theo ông Putin, trong tương lai, Liên minh Âu-Á sẽ trở thành một thành viên đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), do đó việc tham gia liên minh này, ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp, còn cho phép mỗi nước thành viên hội nhập với châu Âu nhanh chóng hơn và trên vị thế vững chắc hơn. Bên cạnh đó, một hệ thống quan hệ đối tác Liên minh Âu-Á và EU cân bằng, hợp lý về mặt kinh tế có khả năng tạo ra những điều kiện thực tế có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị và địa kinh tế của toàn châu lục và chắc chắn có hiệu ứng tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Sáng kiến trên được ông Putin đưa ra trong bối cảnh Nga sắp kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 18 năm để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Quá trình tìm kiếm những mô hình phát triển toàn cầu thời hậu khủng hoảng đang gặp khó khăn. Ví dụ, vòng đàm phán Doha hầu như ngưng trệ. WTO đang đối mặt với những khó khăn khách quan”, ông viết. Như để nhấn mạnh ý nghĩa của Liên minh Âu-Á, Thủ tướng Putin chỉ ra đường lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thông qua hợp tác trong vùng, điển hình là EU, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). “Những “viên gạch” này có thể hợp lại xây thành một nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn”, ông khẳng định.

THANH TRÚC
(Theo Reuters, AFP, RIA Novosti)

Chia sẻ bài viết