23/12/2020 - 20:07

Nga khẳng định vị thế tại Bắc Cực 

Bất chấp đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho nước Nga và thế giới, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin vẫn tăng cường các biện pháp hiện diện mạnh mẽ hơn tại Bắc Cực.

Chiến lược chủ quyền của Nga

Tàu Arktika chạy thử nghiệm ở thành phố St. Petersburg hồi tháng 12-2019. Ảnh: TASS

Tàu Arktika chạy thử nghiệm ở thành phố St. Petersburg hồi tháng 12-2019. Ảnh: TASS

“Trong thập kỷ tới, sức mạnh của Nga chắc chắn sẽ ngày càng lớn mạnh hơn ở Bắc Cực và các vùng lãnh thổ phía Bắc” - Tổng thống Putin tuyên bố tại cuộc gặp trực tuyến với các tình nguyện viên và những người tham gia chung kết cuộc thi “Tình nguyện viên nước Nga - 2020” được tổ chức hồi đầu tháng 12.

Theo nhà lãnh đạo xứ bạch dương, sự phát triển của Bắc Cực là tương lai của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Ông chủ Điện Kremlin cho rằng bản chất của vùng Bắc Cực là rất dễ bị tổn thương, do đó, bất kỳ hoạt động kinh tế nào tại khu vực cũng nên được tiến hành song song với việc giảm thiểu rủi ro về môi trường.

“Có quá nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu và hoạt động kinh tế ở Bắc Cực. Chúng tôi cùng với các bạn cần quan tâm nhiều hơn nữa những vấn đề này và sẽ cùng nhau đấu tranh để Bắc Cực có thể được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo giống như cách mà ông cha ta đã làm. Đây là một điều cực kỳ quan trọng” - Tổng thống Putin nói thêm.

Nga đã và đang mở rộng ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và quân sự ở Bắc Cực. Khu vực này được coi là lãnh thổ của Nga, quốc gia có đường bờ biển chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương và có khoảng 2 triệu dân sinh sống tại khu vực, chiếm khoảng một nửa số người sinh sống ở Bắc Cực. Hơn 70% lãnh thổ Nga nằm ở vĩ độ Bắc.

Tuy nhiên, trước diễn biến quá nhanh của biến đổi khí hậu, khu vực này bỗng trở thành điểm nóng bị các nước lớn tranh giành. Cuộc cạnh tranh địa chính trị diễn ra giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại đây ngày càng gay gắt.

Để đối phó với các vấn đề mà Mát-xcơ-va hay gặp phải tại vùng Bắc Cực rộng lớn và giữ vai trò quan trọng về mặt chiến lược, Tổng thống Putin hồi cuối tháng 10 đã chính thức phê chuẩn “Chiến lược phát triển vùng Bắc Cực của Nga và đảm bảo an ninh quốc gia đến năm 2035”, nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên dồi dào tại khu vực như dầu khí và khoáng sản, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho người dân. Bắc Cực ước tính chiếm gần 30% trữ lượng khí đốt thiên nhiên và 13% trữ lượng dầu chưa khai thác của thế giới. Năm 2014, Nga bắt đầu sản xuất dầu từ một mỏ ngoài khơi Bắc Cực, đánh dấu lần đầu tiên con người khai thác dầu ở Bắc Cực. Khu vực Bắc Cực mà Nga đang sở hữu còn là nơi có các mỏ giàu niken, đồng, than, vàng, uranium, wolfram và kim cương.

Hồi đầu tháng 8, lần đầu trên thế giới các thiết bị lặn chuyên dụng của Nga đã đưa thành công 2 người xuống tận đáy Bắc Băng Dương, phía dưới bề mặt Bắc Cực. Trong chuyến lặn này, Nga đã cắm quốc kỳ ở đáy Bắc Băng Dương, tại độ sâu hơn 4.000m. Hình ảnh cắm cờ này ám chỉ đến việc Nga có quyền khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ ở dưới đáy Bắc Băng Dương, nơi vốn không có chủ nhân và như vậy, nếu quốc gia nào chứng minh được chủ quyền là có thể khai thác.

Phát triển “Con đường tơ lụa”

Không chỉ là kho tài nguyên khổng lồ, Bắc Cực còn là con đường vận chuyển hàng hóa chiến lược của các lục địa Âu - Mỹ. Do vậy, Trung Quốc, tự nhận là một “quốc gia cận Bắc Cực”, có tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như đẩy nhanh hoạt động thương mại ở tuyến đường biển phương Bắc, còn gọi là “Con đường tơ lụa Bắc Cực”. Trung Quốc thậm chí đã đưa tuyến đường này vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình vào năm 2017 nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng tại Bắc Cực.

Trong khi đó, Nga đã triển khai kế hoạch đóng tàu phá băng hạt nhân thứ 5 thuộc dự án 22220, giữa lúc hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và tài nguyên khí đốt tự nhiên của Mát-xcơ-va từ Bắc Cực tiếp tục tăng mạnh. Theo tờ High North News, công tác đóng tàu phá băng này đã được bắt đầu tại nhà máy đóng tàu Baltic (thành phố St. Petersburg) hồi tuần trước.

Đến nay, 4 tàu phá băng hạt nhân thuộc dự án 22220 đã được hoàn thành. Trong đó, tàu Arktika đi vào hoạt động trong năm nay và đã hoàn thành các chuyến hộ tống dọc theo tuyến đường Bắc Cực. Tàu phá băng thứ 2 và thứ 3 là Sibir và Ural đã được hạ thủy và đang chờ đưa vào vận hành vào năm 2021 và 2022. Còn tàu thứ 4 Yakutia đã được đóng vào tháng 5. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết