06/02/2025 - 18:13

Nga đang “trở lại” châu Phi 

Phát biểu tại lễ ra mắt khuôn khổ Đối tác với châu Phi hôm 4-2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết châu Phi là đồng minh tự nhiên của Mát-xcơ-va trong việc đảm bảo các nguyên tắc công lý và bình đẳng trên toàn thế giới, qua đó cam kết không lặp lại những sai lầm dẫn đến sự suy yếu trong quan hệ giữa Nga và các nước lục địa đen.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại thành phố Saint Petersburg hồi tháng 7-2023. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi tin rằng châu Phi là đồng minh tự nhiên của chúng tôi trong việc đảm bảo các nguyên tắc công lý và bình đẳng như đã được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ). Có một số lý do khiến mối quan hệ và lợi ích của chúng tôi ở châu Phi suy yếu, trong đó gồm tình hình tài chính khách quan của Liên Xô và các quốc gia độc lập được thành lập sau đó, gồm cả Liên bang Nga. Do đó, chúng tôi phải đóng cửa các đại sứ quán để tiết kiệm tiền dành cho chính sách đối ngoại” - ông Lavrov cho biết.

Theo nhà ngoại giao xứ bạch dương, một lý do khác khiến quan hệ Nga - châu Phi ngày càng “nhạt” là khuynh hướng thân phương Tây của các lực lượng chính trị lãnh đạo nước Nga hồi mới được thành lập. “Giới lãnh đạo Liên bang Nga tin rằng cánh cửa của nền văn minh phương Tây đã mở ra cho họ và mọi thứ khác đều không quan trọng. Đó là một sai lầm chiến lược”- ông Lavrov nhấn mạnh.

Theo báo cáo mới đây của tổ chức nghiên cứu chính sách African Narratives, có rất nhiều lý do để Nga muốn “trở lại” châu Phi. Một trong số đó chính là đòn bẩy ngoại giao. Báo cáo cho hay, quyền bỏ phiếu của châu Phi trong các vấn đề quốc tế tại LHQ cung cấp cho Nga công cụ mạnh mẽ để thách thức sự thống trị của phương Tây và thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. Báo cáo cho rằng bằng cách vun đắp liên minh với các quốc gia châu Phi, Mát-xcơ-va tìm cách khuếch đại tiếng nói của nước này trên trường quốc tế và cân bằng lại ảnh hưởng của phương Tây.

Báo cáo nhận định, việc “trở lại” châu Phi sẽ mang lại cho Nga nhiều cơ hội kinh tế. Hiện Nga tỏ ra rất quan tâm đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của châu Phi, gồm khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt và đất nông nghiệp. Những nguồn tài nguyên này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Nga và tạo đòn bẩy trên thị trường toàn cầu. Báo cáo cũng nhấn mạnh mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Nga và các nước châu Phi dù mối quan hệ đó vẫn còn tụt hậu so với Trung Quốc hay Mỹ.

Mặt khác, việc “trở lại” châu Phi lần này giúp Nga chống lại ảnh hưởng của Phương Tây cũng như củng cố về mặt anh ninh và định vị chiến lược của Nga. Bằng cách lấp đầy khoảng trống do các cường quốc phương Tây bỏ lại, đặc biệt là ở khu vực Sahel, Nga đặt mục tiêu tạo ra các mối phụ thuộc mới và tái định hình bối cảnh chính trị theo hướng có lợi cho nước này, từ đó mang lại cho Mát-xcơ-va đòn bẩy trong các cuộc đàm phán và xung đột quốc tế.

Trong khi đó, việc thiết lập sự hiện diện quân sự tại các địa điểm quan trọng về mặt chiến lược, chẳng hạn như Biển Đỏ, giúp tăng cường khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu của Nga. 

Song, sự “trở lại” châu Phi của Nga đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Theo báo cáo, sự gia tăng của các nhóm khủng bố và phong trào ly khai gây ra mối đe dọa đối với lợi ích của Nga và khả năng duy trì sự ổn định tại các khu vực chịu ảnh hưởng của Mát-xcơ-va. Chưa kể, Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt tại khu vực. Báo cáo thừa nhận, sự cạnh tranh, đặc biệt là từ Trung Quốc và Mỹ, có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng tại lục địa đen.

Việc Nga thiết lập mới khuôn khổ Đối tác với châu Phi diễn ra trong bối cảnh Mát-xcơ-va đã sơ tán bớt các tài sản quân sự  tại Syria và đứng trước khả năng phải đóng cửa 2 căn cứ quân sự quan trọng tại đây, đồng thời đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Libya như là giải pháp thay thế. 

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết