Diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL có khoảng 275.000 ha, sản lượng hàng năm từ 2,2- 2,7 triệu tấn. Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ trái cây, tuy nhiên mặt bằng giá năm nay không cao hơn năm ngoái. Làm thế nào để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả, đảm bảo thu nhập và không bị thua trên sân nhà? Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc trao đổi về vấn đề này.
* Cứ đến vụ thu hoạch, trái cây ĐBSCL lại tái diễn “điệp khúc rớt giá”. Vì sao tình trạng này vẫn kéo dài? Tiến sĩ đề xuất hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Đến vụ thu hoạch trái cây có tình trạng rớt giá là do quy luật cung cầu. Bởi đến mùa, số lượng cung ra thị trường nhiều hơn cầu, tất nhiên giá giảm so với đầu vụ. Do đó, để giải quyết vấn đề này, phải tăng sản lượng xuất khẩu, chứ bán nội địa, tình trạng rớt giá sẽ còn kéo dài. Muốn xuất khẩu phải tổ chức lại sản xuất, để có sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Mặt khác, sản xuất theo hướng hàng hóa là có sự phân công cụ thể trong nội bộ nông dân (khâu sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ); đồng thời, từng tỉnh phải có quy hoạch vùng chuyên canh, hỗ trợ cho người trồng, người đóng gói.
Theo tôi, có 3 giải pháp để giải quyết. Trước nhất, tổ chức lại sản xuất với quy mô lớn, tập trung để có sản phẩm đồng đều, chất lượng, an toàn. Muốn như vậy, nông dân phải hợp tác và có sự phân công cụ thể: người sản xuất, người tiếp thị, phân phối... Hiện nay, có hợp tác xã, nhưng sự gắn kết giữa các xã viên còn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Hơn nữa, nông dân canh tác không đúng kỹ thuật được khuyến cáo, nên giá bán các loại trái cây của ta hiện nay cao hơn các nước, làm giảm sức cạnh tranh. Nếu có sự phân công sản xuất cụ thể, bài bản sẽ tránh được chuyện rớt giá khi đến vụ thu hoạch.
Thứ hai, các tỉnh phải có nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện mô hình liên kết, đồng thời qui hoạch vùng chuyên canh phải từ 3.000 ha trở lên. Hiện nay, những loại trái cây đặc sản được ưa chuộng như: sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, vú sữa .... giá bán cao, nhưng không có vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn, nên không có đủ số lượng lớn khi khách hàng đặt hàng. Ngoài ra, cũng phải tính đến nguồn vốn hỗ trợ cho người trồng, người đóng gói để hàng hóa có xuất xứ rõ ràng.
Thứ ba, mỗi tỉnh nên xây dựng vùng trái cây đặc sản, có thể tập trung trồng 1 hoặc 2 loại trái cây là đủ. Như tỉnh Bình Thuận, có vùng chuyên canh trồng thanh long, hàng năm mang về cho tỉnh này khoảng 20 triệu USD xuất khẩu. Còn ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, nên trồng rất nhiều loại cây, dù có những loại đặc sản có thế mạnh xuất khẩu, nhưng không có vùng chuyên canh. Hiện nay, do mạnh ai nấy trồng nên cuối cùng không có sản phẩm chủ lực. Để có vùng trồng cây đặc sản, tỉnh phải có chủ trương hỗ trợ từ khâu giống đến đóng gói... nếu không thì không có vùng chuyên canh và rớt giá vẫn còn kéo dài.
* Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng, không chỉ người trồng lúa bị ảnh hưởng mà nhà vườn cũng gặp khó. Thưa tiến sĩ, giải pháp nào để đảm bảo thu nhập cho người nông dân khi chi phí sản xuất tăng mà giá bán không tăng?
- Tôi cho rằng, nông dân phải gia nhập kinh tế hợp tác một cách thật sự, chứ không thể vào HTX cho có phong trào. Bởi hiện nay việc mua- bán trái cây ở ĐBSCL đều phải qua trung gian. Khi vào HTX, nhà nông sẽ có điều kiện mua vật tư nông nghiệp với giá tận gốc. Khi đó, chi phí sản xuất sẽ giảm, đảm bảo tăng thu nhập cho nông dân.
* Thưa tiến sĩ, nông dân ĐBSCL rất nhạy bén trong việc tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Nhưng vì sao tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của cây ăn trái vẫn đang ở mức cao?
- Thất thoát không chỉ nằm ở khâu thu hoạch, mà trước và sau thu hoạch đã xảy ra. Chẳng hạn trái sầu riêng nếu phun thuốc trước thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng, sau thu hoạch nếu không có biện pháp xử lý nấm cũng bị ảnh hưởng chất lượng... Rồi trong quá trình thu hoạch, nông dân đôi khi không để ý nên cứ ném đại vào giỏ, cần xé làm trái cây tổn thương vật lý. Thêm vào đó, thùng đựng trái cây thường được trưng dụng lại từ thùng hàng tiêu dùng (mì, bột ngọt, bánh kẹo...) mà không có thùng chuyên dụng. Tất cả vấn đề trên đều làm tăng tỷ lệ thất thoát.
Nói chung, khâu thu hoạch của ta bị tụt hậu vài chục năm so với các nước trong khu vực. ĐBSCL chưa có doanh nghiệp nào tham gia đóng gói sản phẩm trái cây chuyên dụng và đạt tiêu chuẩn. Tất cả vấn đề này, nếu chưa được đầu tư cải thiện, tình trạng thất thoát vẫn còn dài dài.
* Hiện nay, thị trường tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL chủ yếu do thương lái thu mua, còn vai trò của doanh nghiệp, các chợ đầu mối mờ nhạt. Để trái cây ĐBSCL thật sự có thị trường, cần phải có cách làm như thế nào, thưa tiến sĩ?
- Trái cây sản xuất đúng theo hướng hàng hóa là phải có sự liên kết giữa các nhóm nông dân với nhau và với doanh nghiệp ngay từ đầu. Chẳng hạn, bưởi Năm Roi đã ký hợp đồng tiêu thụ với Metro, nghĩa là người sản xuất biết rõ địa chỉ mình sẽ cung ứng hàng, giá cả và sản lượng mà khách hàng cần để cân đối sản xuất. Tôi cho rằng, đây là liên kết mẫu mực trong sản xuất, tiêu thụ trái cây hiện nay ở ĐBSCL. Từ mô hình này, hy vọng các tỉnh kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc để hỗ trợ nông dân.
Hiện nay, việc tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL đang trong tình trạng doanh nghiệp chỉ đến với nông dân vào phút chót (thu hoạch). Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ thu mua giá thấp, người trồng dễ bị thiệt thòi. Hơn nữa, các chợ đầu mối trái cây ở ĐBSCL hiện tại không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu kém trong khâu đóng gói, không có xuất xứ hàng hóa. Tôi nghĩ rằng, từng tỉnh trong khu vực phải xác định, quy hoạch 1 vài vùng chuyên canh, kêu gọi doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Phải có sự gắn kết ngay từ đầu mới mang lại hiệu quả. Nông dân phải năng động để thực hiện mô hình liên kết, còn địa phương tạo điều kiện thúc đẩy mô hình.
* Bộ Nông nghiệp khuyến cáo 9 loại trái cây đặc sản của vùng cần tập trung thực hiện. Theo tiến sĩ, trong số này, ĐBSCL cần tập trung những chủng loại ưu tiên nào nhất?
- Trước mắt, chỉ tập trung vào một vài chủng loại. Hiện nay, thị trường nước ngoài có nhu cầu rất lớn với cây dứa (khóm), chúng ta không “có hạng” nào trên bản đồ khu vực về trồng dứa và kém xa Thái Lan về diện tích, sản lượng. Có thể tăng diện tích dứa để phục vụ xuất khẩu. Còn măng cụt, chúng ta chỉ có khoảng 8.000 ha, Thái Lan gần 80.000 ha và chỉ có một giống, nên tràn qua Việt Nam, do sản lượng của họ nhiều. Do đó, việc mở rộng diện tích cây măng cụt rất cần thiết để chiếm lĩnh lại thị trường nội địa, thậm chí là xuất khẩu. Riêng cây vú sữa là cây đặc thù của Việt Nam, rất có tiềm năng trên thị trường trong và ngoài nước. Nên nhân cơ hội này để mở rộng diện tích. Cây thanh long hiện đang là thế mạnh của ĐBSCL (trồng nhiều nhất ở Tiền Giang, Long An), ngoài thanh long ruột trắng, ta nên phát triển thanh long ruột đỏ nhằm đa dạng mặt hàng... Đối với cây chuối (chuối tiêu) không có trong danh mục khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng chuối đang xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi. Đây là thị trường lớn, tôi nghĩ ĐBSCL có thể mở rộng diện tích để nắm bắt cơ hội này.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
THU HÀ (thực hiện)