LỆ THU
Quán, không chỉ là nơi kinh doanh, mà trong đời sống tinh thần còn là một trong những hình thức biểu hiện sắc thái văn hóa của một vùng đất và con người. Ðó là nơi tổng hòa của truyền thống ẩm thực, cung cách ứng xử và cách kiến tạo không gian mang hơi thở cuộc sống của từng vùng miền. Bởi bậy trong ký ức về quê hương xứ sở và quãng đời đã qua của nhiều người, luôn có sự hiện diện của những góc quán thân quen.
Ở Cần Thơ, đang có nhiều người kinh doanh ẩm thực vận dụng cách nhìn như thế về quán, để tạo nên nét xưa nơi quán phố, khiến người đến không khỏi bồi hồi ôn cố tri tân.
Trong lòng đô thị Cần Thơ từ lâu đời luôn có sự hiện diện của nhiều loại hình quán, làm nên chiều sâu văn hóa và phong cách của thành phố ven sông. Trong ý thức kinh doanh quán của nhiều người Cần Thơ, quán không chỉ là nơi có đồ ăn và thức uống. Bởi vậy, mới có lời trần tình thế này ở một quán ăn đậm chất miệt vườn: “Quán Hồi Đó là nơi để những người có tuổi tìm lại những gì trong ký ức, là nơi các bạn trẻ hiểu thêm về cuộc sống của ông bà, cha mẹ, là nơi để bạn bè phương xa muốn đến và tìm hiểu cuộc sống của người dân Nam bộ ở những năm 80”.
Du khách thích thú trải nghiệm làm bánh dân gian cùng người dân Cồn Sơn. Ảnh: DUY KHÔI
Trên khoảng sân của một ngôi nhà cổ nằm ở con hẻm lâu đời (tên dân gian là hẻm Thời Trang, nay là đường Trần Bình Trọng, phường An Phú, quận Ninh Kiều), Hồi Đó đón khách bằng bàn ghế gỗ của những năm xa xưa, không gian thoảng mùi của bánh trái miệt vườn, mùi khói cay nhẹ của bếp củi, xen khẽ tiếng nồi nước lèo sôi lụp bụp, tiếng chiên xào giòn tan... Chị Nguyễn Thị Hồng Đào, sinh năm 1988, chủ quán Hồi Đó, chia sẻ: “Nguyên liệu chế biến các món ăn đều do đích thân tôi hằng ngày đi chợ, trực tiếp chọn lựa từng cọng rau, con cá. Tất cả phải tươi ngon để khi chế biến phải đảm bảo hương vị và vừa lòng thực khách”. Hồi Đó có khoảng 30 món ăn, từ món chính đến ăn vặt đều rất Nam bộ. Bánh dân gian thì là bánh đúc, bánh lá, bánh chuối… Món chính được sắp xếp như một mâm cơm dân dã đúng điệu với ơ cá kho quẹt, canh rau, bông bí xào, mùa nào thức nấy. Quán cũng có những món ăn mang ý nghĩa tụ tập quây quần của ẩm thực miệt vườn, như các loại lẩu: mắm, vịt nấu chao, bao tử nấu tiêu... Tất cả đưa khách trở về với văn hóa ẩm thực giản dị mà chứa đựng những gì tinh túy nhất của tự nhiên, cũng như thể hiện tài khéo của các bà, các chị vùng sông nước Cửu Long.
Khách đến Hồi Đó còn bồi hồi bởi những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt. Quán được trang trí bởi hơn 60 bức ảnh thu nhỏ về cuộc sống người Nam bộ xưa, cùng một sạp hàng bằng tre lá với những vật dụng xưa cũ: kệ chén, rổ, thúng, mẹt, cối xay đá, lu nước nhỏ, đèn bão, khăn rằn… Bày biện trên bàn ăn là ca ghi-đông, lon zigo bằng nhôm, thớt gỗ… thoạt nhìn có vẻ tùy tiện, nhưng lại hợp lý một cách tinh tế. Ly, chén, dĩa, tô đều là những đồ thủy tinh, đồ sứ cũ.
Hồi Đó còn nhiệt tình chiêu đãi khách một vòng tham quan ngôi nhà mang phong cách kiến trúc xưa. Không gian nhà đưa khách trở về những năm tháng xưa cũ, với bộ ấm trà, điện thoại bàn quay số, radio, máy đánh chữ, máy may, bàn ghế, giường, tủ… đều là đồ dùng cách đây vài thập kỷ. Chị Nguyễn Thị Hồng Đào tâm tình: “Tất cả vật dụng, đồ dùng của quán và căn nhà, đều được chúng tôi bỏ công sưu tầm, mua lại ở nhiều nơi, với mong muốn đưa thực khách đến với một miền ký ức đặc trưng của Nam Bộ”.
* * *
Cũng với ý tưởng khai thác ẩm thực truyền thống và nguyên liệu tự nhiên, Chè Nguyên Đặng (chân cầu Rạch Ngỗng, đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) đang là địa chỉ được giới trẻ yêu thích. Đặc sản của quán, “Chè mâm” (gồm hai loại: 6 món và 12 món) là những gì tinh túy nhất của món ngọt miệt vườn: chè đậu đen, đậu trắng, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, củ năn, hạt sen, vải, nhãn nhục, sương sáo hạt é và bánh lọt. Quán còn có hơn 20 loại chè và nhiều món ăn vặt, trong đó có một số món do chủ quán sáng tạo như chè củ năn trong trái dừa, chè năn tuyết, chè thủy tinh, mì trái cây...
Chủ quán, cô gái sinh năm 1986 Thái Trần Thảo Nguyên, được di truyền tài khéo từ mẹ và các dì trong gia đình, nên có sự say mê tự nhiên với ẩm thực truyền thống. Khi lập nghiệp, Thảo Nguyên bán chè củ năn và chè hạt sen qua mạng. Sau 3 tháng, cô mở quán bán tại nhà và bổ sung thêm một số loại chè khác. Khách đến ngày càng đông và nhu cầu ngày càng cao khiến Nguyên quyết định thuê mặt bằng hiện tại, cũng là lúc không ngừng mở rộng thực đơn.
Tất cả các loại chè của quán đều do Thảo Nguyên chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, mùa nào thức nấy và tự tay nấu. Thức khuya, dậy sớm mỗi ngày nhưng Thảo Nguyên luôn cảm thấy hạnh phúc, bởi trung bình mỗi ngày có từ 200-400 khách đến thưởng thức tại quán và đặt hàng qua mạng, qua điện thoại, dù Nguyên Đặng chỉ mở cửa từ 14 giờ đến 21 giờ 30. Ngoài chè, quán còn thu hút đông đảo khách trẻ bởi các món ăn vặt và các loại thức uống phong phú.
* * *
Cách trung tâm quận Bình Thủy chỉ 15 phút đi đò, nhiều quán ở Cồn Sơn đang trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai hoài niệm không gian của làng quê xưa. “Sao mà mộc mạc”, “Như về nhà ngoại hồi nhỏ vậy”… là cảm nhận của nhiều khách đến nhà vườn Song Khánh. Gọi là quán hay nhà vườn, nhưng thực chất đó vẫn là ngôi nhà đậm chất Nam bộ của gia chủ, chỉ có phần sân rộng rãi kê thêm vài bộ bàn ghế và mắc thêm vài cái võng. Ao cá, vườn cây mát mẻ xung quanh, giàn hoa phong lan khoe sắc phía trước và buồng chuối chín treo bên hiên nhà tạo cảm giác dễ chịu cho bất cứ ai đặt chân đến đây.
Không gian đậm chất Nam bộ xưa của quán Hồi Đó.
Đến quán, mà khách như trở về với nếp sinh hoạt nông thôn đậm tình làng nghĩa xóm. Chị Phan Thị Kim Phước (Năm Phước), chủ quán Song Khánh, chia sẻ: “Ở đây, rau hái trong vườn, gà nuôi sau nhà, cá ở dưới ao, ốc và tép bắt ở rạch và ven sông. Khách tới muốn ăn gì thì mới ra vườn, xuống ao tìm nguyên liệu. Những món đặc biệt thì đặt trước để chúng tôi chuẩn bị. Chúng tôi làm tổ hợp tác du lịch nên thực đơn có nhiều món cho khách chọn. Món nào quán không có thì đặt hàng quán khác hoặc các hộ dân xung quanh mang lại. Mỗi quán, mỗi hộ có vài món độc đáo của riêng mình”.
Ngoài phục vụ ăn uống, trải nghiệm làm bánh dân gian, tham quan vườn trái cây, bè cá… các nhà vườn ở Cồn Sơn còn có dịch vụ “homestay”. Anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Năm Phước tâm tình: “Mình là nông dân, nên làm quán và kinh doanh theo những gì bản thân am hiểu nhất”. Bởi vậy, khách đến với Song Khánh, hay với nhiều quán khác ở Cồn Sơn, sẽ cảm nhận nơi đây sự hiếu khách nhiệt tình chơn chất, sự chăm chút như đối với người thân và sự phóng khoáng của thiên nhiên và con người vốn có từ thuở tiền nhân khai hoang lập đất.
* * *
So cùng những trung tâm khác của cả nước, Cần Thơ là đất trẻ. Sự trẻ trung của vùng đất thể hiện qua nét năng động của những 8X kinh doanh ẩm thực truyền thống như Hồng Đào hay Nguyên Thảo cũng như rất nhiều người trẻ khác. Sức hấp dẫn mạnh mẽ từ vị thế trung tâm ĐBSCL của đất trẻ Cần Thơ sẽ càng được nâng lên khi hàm chứa những đặc trưng của ẩm thực, của văn hóa truyền thống.l