11/08/2017 - 16:51

Nét đẹp trang phục các dân tộc ở ĐBSCL

Nhân dịp Bảo tàng TP Cần Thơ đang trưng bày chuyên đề “Trang phục, trang sức các dân tộc ĐBSCL”, Báo Cần Thơ giới thiệu phóng sự ảnh về trang phục truyền thống của cộng đồng 4 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa và Chăm đang sinh sống trên mảnh đất Chín Rồng. Nét khác biệt của từng trang phục đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa đồng bằng phong phú, nhiều màu sắc.

Phóng sự ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Cũng như đồng bào dân tộc Kinh trên khắp cả nước, người Kinh ở ĐBSCL từ nhiều đời qua vẫn thướt tha trong tà áo dài truyền thống. Chiếc áo dài được xem là “quốc hồn quốc túy” của người Việt. Trong ảnh: Nữ sinh Phong Điền (TP Cần Thơ) duyên dáng trong tà áo dài trắng.

Tuy nhiên, người Việt ở Nam bộ lại định hình một nét đặc trưng riêng trong trang phục- đó là chiếc áo bà ba. Cũng như áo dài, nhưng áo bà ba có hai tà áo ngắn lại, kết hợp với túi, rộng rãi phần eo giúp người phụ nữ tự tin, thoải mái trong sinh hoạt đời thường.

Người Khmer Nam bộ có nhiều trang phục đi lễ hội, lễ chùa, các sự kiện trang trọng và trong sinh hoạt đời thường. Có thể kể đến như váy xampot, áo wên, áo srây hoặc áo tằm wong, khăn rằn kama… với màu sắc, hoa văn đặc trưng. Trong ảnh: Thiếu nữ Khmer với trang phục khi ra đồng ruộng.

Đồng bào người Hoa ở Nam bộ thường mặc áo xá xẩu, quần tiều (người nam) và áo sườn xám (người nữ). Đặc trưng trong trang phục của họ còn ở hoa văn trên vải, cài nút thắt… Trong ảnh: Một kiểu trang phục truyền thống của người Hoa ở Nam bộ.

Phụ nữ Chăm nổi bật với bộ áo dài truyền thống và đặc biệt là chiếc khăn khanh-ma-om (hay ma-tơ-ra), vừa kín đáo vừa tạo nét ưa nhìn (ảnh). Đàn ông Chăm cũng mặc váy, đội khăn nhưng hoa văn đơn giản hơn. Hầu hết vải may trang phục do bà con tự dệt.

 

Chia sẻ bài viết