28/05/2022 - 00:08

Nepal “nghiêng” về Ấn Độ và Mỹ 

Trước “tấm gương” Sri Lanka, đảng cầm quyền Nepal bắt đầu cảnh giác với sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc và có dấu hiệu chuyển hướng sang các nguồn đầu tư mới từ Mỹ cùng Ấn Ðộ.

Thủ tướng Nepal Deuba (trái) nói chuyện với người đồng cấp Ấn Độ Modi. Ảnh: Getty Images

Nepal tham gia BRI do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2017, với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030. Năm 2019, nước này đề xuất 9 dự án khác nhau thuộc khuôn khổ BRI. Chúng bao gồm nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt xuyên Himalaya nối từ cảng của Trung Quốc đến thủ đô Kathmandu, mở rộng đường dây tải điện 400KV, lập một trường đại học kỹ thuật ở Nepal bên cạnh các dự án xây dựng đường bộ, đường hầm và đập thủy điện.

Nhưng 5 năm trôi qua, chưa có dự án nào hình thành. Giới phân tích sau khi xét loạt đề xuất khác nhau của Bắc Kinh trong những năm gần đây đánh giá Nepal là mục tiêu “bẫy nợ” tiếp theo của Trung Quốc, sau Sri Lanka.

Theo đó, lợi ích duy nhất của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các khoản vay khổng lồ cho Nepal ngày càng rõ ràng khi các điều kiện tiên quyết mà Bắc Kinh đưa ra để khởi công dự án ngày càng nhiều.

Nepal chuyển sang đối thủ của Trung Quốc

Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức cấp cao Nepal tiết lộ Kathmandu có 3 mối quan tâm chính với Trung Quốc. Một là hy vọng được hợp tác dựa trên các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi, thay vì vay thương mại. Nepal cũng mong muốn lãi suất và thời gian trả nợ phù hợp quy định của các cơ quan tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á. Cuối cùng là đấu thầu cạnh tranh và quản lý dự án BRI trên cơ sở minh bạch.

Tuy nhiên, các phương thức tài chính cùng vấn đề minh bạch nêu trên chưa được giải quyết và trở thành mâu thuẫn cốt lõi. Sự bất bình giữa Nepal - Trung Quốc về tiến độ BRI đã thể hiện rõ trong chuyến thăm Kathmandu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 3. Trong khi các nhà chức trách Nepal đưa ra ưu tiên rõ ràng đối với “khoản vay ưu đãi”, tờ Singapore Post tiết lộ không có cuộc thảo luận nào liên quan đến BRI diễn ra trong chuyến thăm của ông Vương Nghị. Theo nhà phân tích địa chính trị C.D Bhatta, mâu thuẫn này xen kẽ lo ngại của quốc gia vùng Himalaya khi chứng kiến cuộc khủng nợ đang diễn ra ở Sri Lanka là động cơ khiến họ muốn tìm hỗ trợ từ các quốc gia khác.

Ðiều này được phản ánh qua chuyến công du New Delhi hồi tháng 4 của Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Ðộ Narendra Modi, Thủ tướng Deuba nhận định mối quan hệ với quốc gia Nam Á là “rất quan trọng” và Kathmandu mong muốn “nhận được nhiều lợi ích từ sự tiến bộ của Ấn Ðộ thông qua quan hệ đối tác cùng có lợi”. Trong dấu hiệu hướng tới Mỹ, Thủ tướng Deuba dự kiến bay tới Washington vào tháng 7 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nepal tới xứ cờ hoa sau 20 năm. Trước sự kiện này, Tham mưu trưởng quân đội Nepal, Tướng Prabhu Ram Sharma theo lịch trình sẽ thăm Lầu Năm Góc vào tháng 6. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Uzra Zeya mới tuần rồi cũng có chuyến thăm Nepal kéo dài 3 ngày. Một phái đoàn quốc hội Mỹ cũng đã đến thăm Nepal vào tháng 4.

Về kinh tế, Nepal từ năm 2017 có ký thỏa thuận với cơ quan viện trợ Hợp tác thách thức thiên niên kỷ (MCC) của Chính phủ Mỹ. Khoản tài trợ trị giá 500 triệu USD được chi để nâng cấp các mạng lưới đường bộ và đường dây tải điện quan trọng của Nepal. Tuy nhiên, thỏa thuận đã trải qua nhiều tháng chống đối dai dẳng được Bắc Kinh khuyến khích ngầm giữa Nepal - Mỹ. Vượt qua chiến dịch được thúc đẩy, Quốc hội Nepal vào tháng 2 đã thông qua MCC. Chỉ vài tuần sau, Mỹ đã gia hạn thêm 659 triệu USD viện trợ hỗ trợ nền kinh tế Nepal.

MAI QUYÊN (Theo DW, Kathmandupost)

Chia sẻ bài viết